Ngày 25-4, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ trao trả hơn 100 tập hồ sơ, kỷ vật của con em TP Đà Nẵng từ miền Bắc vào Nam chiến đấu (hồi ấy gọi là “đi B”).
Kỷ vật thời hoa lửa
Từ sáng sớm, hội trường của UBND TP Đà Nẵng đã có đông người đến nhận hồ sơ, kỷ vật. Ai cũng nóng lòng chờ đợi nhận lại những kỷ vật mà năm xưa họ từng gửi lại trước khi vượt sông Bến Hải vào Nam. Ông Cao Tiến Trung (quê huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã 84 tuổi nhưng vẫn lặn lội đến nơi rất sớm. “Nghe tin TP trao trả hồ sơ hồi “đi B” tôi vui lắm. Mặc dù chúng đã cũ nhưng với tôi, chúng quý lắm!”.
Năm 1948, ông Trung rời Hòa Vang (Đà Nẵng) đi bộ đội đánh Pháp, được phân về Trung đoàn 108 (Quân khu V). “Sau năm 1954, tôi bị thương và được đưa ra Bắc chữa trị. Năm 1972, tôi lại trở về miền Nam chiến đấu. Trước ngày đi, tôi có lên Ủy ban Thống nhất Chính phủ gửi lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ tùy thân… Ngót 60 năm, giờ mới được thấy lại những đồ vật năm xưa”. Mân mê tập hồ sơ cũ, ông Trung chăm chú đọc lại những bản lý lịch trích ngang, những tiểu sử về bản thân ngày trước. “Hồi ấy cũng không có thời gian để mà xem hồ sơ, kỷ vật gồm những gì, chỉ nhớ mang máng có một vài bức thư nhà, thẻ mua gạo, giấy đi đường…” - ông Trung tâm sự.
Bà Phạm Thị Bời xúc động nhận lại hồ sơ, kỷ vật “đi B” của mình.
Mang trên mình nhiều cái tên khác nhau, bà Phạm Thị Bời (xã Hòa Hảo, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) dường như không còn nhớ rõ tên mình trong giấy tờ khai sinh. Trong chiến tranh, bà Bời là một biệt động thành, hoạt động trong lòng địch nên được tổ chức đặt cho nhiều bí danh. “Cứ qua một địa bàn, tôi lại đổi sang một bí danh khác để khỏi lộ”. Khi lật lại những tập hồ sơ “đi B”, bà Bời mới hồi tưởng lại công việc ngày ấy của mình qua những cái tên như: Bời, Tuyết, Chín, Min… “Nhiệm vụ của tôi hồi ấy là làm công tác binh vận kết hợp với an ninh, đấu tranh chính trị trong lòng địch. Tháng 2-1972, tôi bị bắt đưa về nhốt ở trại biệt giam Đà Nẵng, đến tháng 5-1973 tôi mới được thả trong lần trao trả tù binh tại Thanh Hóa” - bà Bời kể.
Trong tập hồ sơ của bà Bời vẫn còn lưu giữ bức thư tố cáo tội ác của giặc Mỹ. “Tôi viết bức thư này sau khi bị địch bắt và tra tấn để moi ra các cơ sở cách mạng. Lâu rồi, cứ tưởng quên bẵng đi nhưng giờ gặp lại mới nhớ. Lúc viết, tay tôi còn mang đầy vết roi đánh bầm máu”.
Thấy lại hình bóng của chồng, cha
Với ông Bùi Công Dụng, tập hồ sơ kỷ vật “đi B” của người cha Bùi Công Trọng (làng Nại Hiên Đông, Đà Nẵng) như đưa ông về gặp lại người cha đáng kính của mình. “Năm 1953, cha tôi mang cả gia đình vượt Trường Sơn ra Bắc. Đến năm 1963, ông trở lại miền Nam công tác tại Ban Kinh tế Trung ương Cục. Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt sứ quán tại Campuchia thì cha tôi chuyển công tác sang đây nhưng thực chất là lo việc vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện chiến trường miền Nam”. Ông Dụng kể tiếp, dù đi chiến trường xa nhưng cha ông vẫn luôn dõi theo, chỉ dạy các con trong mỗi bước đi cách sống. “Qua những bức thư cha gửi về từ chiến trường, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm, lời dặn dò ân cần đó của cha. Tiếc là cha đã qua đời vào năm 2007, khi chưa kịp nhìn thấy hồ sơ, kỷ vật một thời “đi B” của ông...” - ông Dụng nói.
Trong số 100 hồ sơ, kỷ vật trao trả hôm nay có những người đã hy sinh, nay người thân họ lại đến nhận. Lật giở tập hồ sơ “đi B” của chồng, bà Nguyễn Thị Tý (vợ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Khôi) rưng rưng nước mắt: “Hơn 40 năm rồi, giờ tôi mới nhận được hồ sơ, kỷ vật của anh ấy”. Năm 1954, ông Khôi (quê Đà Nẵng) tập kết ra Bắc và nên duyên chồng vợ với bà Tý, công nhân nhà máy may. Hai người có với nhau hai mặt con thì tháng 12-1970, ông Khôi trở vào Nam chiến đấu. “Ngày anh ấy đi, đứa con trai đầu của chúng tôi mới bốn tuổi còn con gái gần 10 tháng. Anh chỉ kịp ôm hôn hai con rồi theo đơn vị hành quân vào Nam trong đêm. Do công việc hoạt động bí mật nên gia đình không biết thông tin gì về anh” - bà Tý tâm sự.
Bà Lê Thị Danh (vợ ông Bùi Công Trọng) và những kỷ vật “đi B” ngày nào của chồng. Ảnh trong bài: TẤN TÀI
Chồng vào chiến trường, một mình bà Tý phải bươn chải nuôi hai con chờ ngày gia đình sum họp. Nhưng khi hòa bình lập lại, Nam-Bắc sum họp một nhà thì bà Tý vẫn bặt tin chồng. “Sau ngày 30-4-1975, nhiều đồng đội trở về báo tin anh Khôi đã hy sinh nhưng tôi không tin. Gia đình vẫn nuôi hy vọng có ngày đón anh trở về. Nhưng rồi hai năm sau, đơn vị gửi giấy báo tử và ba lô của anh ấy về nhà…” - bà Tý xúc động kể.
40 năm sau, con gái của liệt sĩ Hoàng Ngọc Khôi về quê cha lập nghiệp, xây dựng gia đình. Bà Tý cũng theo con về sống tại quê chồng. Giờ cầm trong tay tập hồ sơ, kỷ vật “đi B”, bà Tý mới biết chồng mình ngày đó là một chiến sĩ thông tin liên lạc, hoạt động trong vùng địch chiếm đóng.
Nỗi niềm ngày Bắc đêm Nam
Trong ký ức của những chiến sĩ “đi B” ngày ấy luôn day dứt nỗi nhớ hai miền Nam-Bắc. “Ngày ở miền Bắc, tâm trí tôi cứ nghĩ về miền Nam, nơi quê nhà đang chìm trong bom đạn của kẻ thù. Nhưng vào Nam chiến đấu rồi lòng lại hướng về Bắc, nơi vợ con mình đang sống dưới những cơn mưa B52 của giặc Mỹ. Tâm trạng của những cán bộ “đi B” ngày ấy là vậy đó” - ông Cao Tiến Trung chia sẻ. Ông Trung nói ông vẫn luôn cảm ơn quê hương miền Bắc vì khi ông vào Nam chiến đấu, nếu không nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của bà con láng giềng ngoài ấy thì vợ ông khó mà chăm lo vẹn toàn cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Còn với bà Phạm Thị Bời, dù thời gian ở trên đất Bắc chỉ hơn một năm nhưng cũng chất chứa nhiều kỷ niệm khó quên. “Hồi đó, tôi được chuyển về sinh sống trong một gia đình làm nông ở Thanh Hóa. Mọi người đã chăm sóc, đùm bọc tôi cho đến ngày tôi vào Nam chiến đấu. Cứ sáng sớm tôi cùng mọi người ra đồng gặt lúa, gánh phân, tối về mọi người ngồi bên nhau khâu vá, dạy cho nhau đánh vần từng con chữ, học từng con số… Ngày chia tay ai cũng ngậm ngùi khóc. Chúng tôi chỉ kịp ôm nhau tạm biệt rồi đi cho kịp chuyến xe vào Nam. Mấy năm sau ngày 30-4-1975, tôi có tìm về Thanh Hóa mấy lần nhưng không gặp ai trong gia đình ấy cả” - bà Bời xúc động kể.
Cơ sở để giải quyết chế độ, chính sách Tại buổi lễ, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, chia sẻ những câu chuyện cảm động về quá trình tiếp nhận thông tin và trao trả hồ sơ, kỷ vật. “Có thân nhân của cán bộ “đi B” thấy tên của em mình đăng trên báo đã mang cả gia phả đến Sở Nội vụ. Từ khi em trai của ông “đi B”, gia đình không có thông tin gì nên gia phả ghi là mất tích. Giờ thì họ có thể bổ sung vào gia phả rõ ràng”. Được biết Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 996 hồ sơ, kỷ vật “đi B” từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội) và đang tiếp nhận thêm 166 hồ sơ còn lại. Theo Sở Nội vụ, những tập hồ sơ này có thể đồng thời là cơ sở để giải quyết các chế độ, chính sách cho nhiều gia đình “đi B” theo luật định. |
TẤN TÀI