Trâu, bò lậu ồ ạt tràn qua biên giới

Trâu, bò “vượt biên” vào địa phận xã Hưng Điền  - Ảnh: Sơn Bình

Vào các buổi sáng, khu vực biên giới thuộc xã Hưng Điền nhộn nhịp hẳn bởi tiếng gõ móng lộp cộp của những đàn trâu, bò trên các ngả đường quê. Từng đàn trâu, bò được người làm thuê thản nhiên dẫn từ xã Chàm, huyện Trabek, tỉnh Prâyveng (Campuchia) sang Việt Nam rồi giao lại cho các thương lái. Điều ngạc nhiên là trong năm 2013, theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng, lực lượng biên phòng kiểm tra xử phạt... hai vụ gồm chín người dẫn trâu, bò nhập lậu qua biên giới với tổng số tiền phạt 4,5 triệu đồng!

Vô tư buôn bán

Ông Đinh Văn Thế - chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An - cho biết việc Trạm thú y Tân Hưng ngừng việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển trâu, bò trên tuyến biên giới là vì công tác đánh giá, kiểm dịch tại vùng này đang thiếu nhiều chỉ tiêu so với quy định để có thể hoạt động. Chỉ khi nào đủ các yếu tố như nhân lực, điều kiện vật chất mới hoạt động trở lại. Công tác kiểm tra trâu, bò ở vùng biên giới cũng đang gặp nhiều khó khăn vì người dân đem trâu, bò từ bên kia biên giới về nuôi mấy ngày là đã thành trâu, bò nhà.

SƠN LÂM

Trong khoảng một giờ, chúng tôi ghi nhận hơn 50 con trâu, bò được người dẫn thuê lùa qua các cửa ngõ vào địa phận xã Tân Hưng dù có những trạm biên phòng canh gác gần đó. Sau khi vượt trạm, số lượng trâu, bò nói trên men theo đường mòn biên giới thâm nhập sâu trong xã Hưng Điền. Tại một số ngả đường hướng về trung tâm thị trấn Tân Hưng, những chiếc xe tải mang biển số Long An, Đồng Tháp, TP.HCM... dừng hai bên đường đón đợi chở trâu, bò rời khu vực biên giới. Từ đây lượng trâu bò này tỏa ra khắp nơi, vào các lò mổ tại Long An và các tỉnh thành lân cận.

Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng trâu, bò vượt biên giới diễn ra tấp nập là vào khoảng 8g-10g30 mỗi ngày. Từ dòng kênh Cái Cỏ ngăn cách hai bên biên giới, xa xa đã thấy nhóm người lùa từng đàn trâu, bò từ bên phía Campuchia men theo những cánh đồng biên giới chuẩn bị thâm nhập vào Việt Nam. Khi đến đường biên giới, từng đàn trâu, bò được lùa xuống, “bơi” ngang qua kênh Cái Cỏ rồi tập kết tại một số bãi đất trống. Các thương lái đã đợi sẵn và hướng dẫn người dắt trâu, bò thuê tiếp tục lùa cả đàn trâu, bò vào sâu đất liền đến tập trung tại những điểm đã được chuẩn bị.

Ông Ân, thương lái tại huyện Đức Hòa (Long An), cho biết trâu, bò được tập kết tại địa phận huyện Trabek, sau đó các thương lái người Việt sang thỏa thuận giá mua và thuê người dẫn qua biên giới rồi lùa vào sâu bên trong đất tỉnh Long An. Tùy trọng lượng mà trâu bò có giá mua 12-16 triệu đồng/con. “Các trạm bên Campuchia chỉ cần đưa 100.000 đồng là được các anh biên phòng cho qua. Còn trạm bên “mình” thì anh em biết nhau hết rồi, qua lại cũng dễ dàng” - ông Ân nói.

Các điểm tập kết khi trâu, bò qua biên giới được thay đổi liên tục dọc dòng kênh ngăn cách hai bên biên giới. Trong đó có tuyến đường mòn “né” hai trạm biên phòng đi tắt ngang qua trụ sở UBND xã Hưng Điền để các xe tải đón chở đi tiêu thụ. Không chỉ qua lại biên giới dễ dàng, khi thâm nhập vào địa phận xã Hưng Điền đoàn người dẫn trâu, bò cũng không gặp cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý. Người dân sinh sống quanh khu vực này cho biết trước đây họ thấy một số hộ buôn lậu né kiểm dịch bằng cách gửi trâu, bò lậu vào đàn bò nuôi vỗ béo của dân địa phương để hợp thức hóa. Nhưng nhiều tháng qua thì không cần bởi trạm thú y chốt chặn nơi biên giới đã đóng cửa.

Không kiểm dịch

Thượng tá Nguyễn Văn Lùng, trưởng đồn biên phòng Sông Trăng (đồn 893), cho biết lực lượng biên phòng không bao giờ làm ngơ hay giải quyết cho người dân mua trâu, bò qua lại biên giới. Tuy nhiên, biên phòng cũng gặp khó bởi khu vực lân cận xã Hưng Điền có rất nhiều hộ dân nuôi trâu, bò lên đến hàng ngàn con. “Nhiều hộ có xin lực lượng biên phòng cho dẫn trâu, bò sang biên giới Campuchia để chăn nuôi trên đồng. Đến khi quay về thì trong đám trâu, bò đó có bao nhiêu con được mua để hợp thức hóa cùng đàn trâu, bò nuôi vỗ béo thì lực lượng biên phòng khó kiểm soát nổi” - ông Lùng nói.

Trao đổi với PV, ông Trần Tấn Tài (trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng) cho biết xã biên giới Hưng Điền là khu vực nóng về tình trạng buôn lậu trâu, bò của tỉnh Long An. Đến dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc cao nên tình trạng trên càng diễn biến rất phức tạp. Theo ông Tài, những năm qua khu vực này có nhiều hộ dân chuyên đi buôn trâu, bò. Khi giá cả trâu bò chênh lệnh giữa hai nước, người dân bất chấp những quy định nghiêm ngặt mà tìm cách mua trâu, bò từ Campuchia đưa về Việt Nam kiếm lời.

Ngoài ra, ông Tài cho rằng việc buôn lậu trâu, bò ngày càng diễn biến phức tạp là do chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan và địa phương lân cận. “Nếu lực lượng biên phòng để trâu, bò vào biên giới thì lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế, trạm thú y... ở đâu mà không kiểm tra, kiểm dịch và xử phạt? Chúng tôi sẽ cử đoàn kiểm tra, xử phạt để tránh mầm mống dịch bệnh nguy hiểm lây lan” - ông Tài nói.

Trong khi đó, theo ông Tạ Thành Răng (phó trưởng Trạm thú y huyện Tân Hưng), do hoạt động kinh doanh trâu, bò trên tuyến biên giới không đúng quy định, diễn ra tràn lan, trạm thú y quản lý không xuể trong việc cấp giấy kiểm dịch. Vì vậy Trạm thú y huyện Tân Hưng thông báo tạm ngưng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển trâu, bò trên tuyến biên giới kể từ ngày 15-8-2013 cho đến khi có sự chỉ đạo mới.

Ông Răng giải thích thêm chưa tổ chức được địa điểm khoanh vùng đạt chuẩn để tập trung trâu, bò kiểm dịch. Trong khi đó nhiều thủ tục chưa rõ ràng như phân loại trâu, bò qua biên giới và trâu, bò nuôi vỗ béo tại địa phương để tiện cho việc kiểm soát kiểm dịch. Do đó trạm kiểm dịch gặp nhiều khó khăn nên tạm dừng. “Chúng tôi phải thông báo ngưng kiểm dịch, đề xuất một số quy định chặt chẽ hơn như khi kiểm tra, tiêm phòng phải bấm thẻ tai có mã số rõ ràng. Sau đó mới có thể lập lại trạm kiểm dịch” - ông Răng nói.

Theo SƠN BÌNH - VĂN ĐÁT (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới