Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019 tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, số ca mắc sởi cũng tăng rất nhanh. Cụ thể ở một số tỉnh thành, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng.
Sởi là bệnh lý có tính lây lan và có thể trở thành dịch. Theo đó, chế độ ăn uống trong giai đoạn mắc bệnh sởi giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh sởi. Nếu không cung cấp dinh dưỡng đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Nên bổ sung rau, củ, quả cho trẻ mắc bệnh sởi. Ảnh: Internet
Theo bác sĩ Trương Hoài Anh, đối với những người mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ nhỏ bố mẹ cần cung cấp đầy đủ và đa dạng những loại thực phẩm có chứa chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin,…
Nên tăng cường cho trẻ bị sởi ăn rau, củ quả như: Cà chua, bí đỏ, dưa hấu,... và một số loại rau xanh như: Cải, rau ngót, rau muống,... vì chúng có nhiều vitamin và khoáng chất. Trong thời điểm này bổ sung một số loại rau quả giàu vitamin C là rất cần thiết vì chúng giúp có thể làm giảm tình trạng mất nước và tăng khả năng miễn dịch. Đặc biệt, ở thời điểm này bổ sung vitamin A là rất quan trọng vì chúng có thể làm giảm tổn thương ở mắt, bác sĩ Hoài Anh cho biết thêm.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên tiêm vaccine 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) để phòng ngừa cả 3 bệnh này. Đối với trẻ em, độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng. Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vaccine sởi để phòng bệnh. |