Trẻ mầm non trải nghiệm chợ Tết quê giữa thành thị

(PLO)- Tết quê tưởng chỉ có trong ký ức của những người lớn được một trường mầm non ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương tái hiện hàng năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có lẽ người lớn khi nghe con trẻ hỏi về Tết quê đều bồi hồi với những kỷ niệm được ba mẹ cho ra chợ, ngắm nhìn thỏa thích những món đồ chơi, bánh kẹo, tấm áo… Hồi đó dù nghèo mà vui.

Ngày nay, vì nhiều nỗi lo canh cánh về sự an toàn, trẻ con cũng được một vài cha mẹ dẫn đi chợ Tết nhưng gần như chỉ ở nông thôn, chứ thành thị thì rất hiếm. Vả lại, nếu đi siêu thị thì việc hỏi han, trao đổi như chợ Tết quê cũng không được thư thả.

Hiểu được điều này, một số trường học mẫu giáo trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã tạo ra một không gian chợ Tết quê ngay tại sân trường. Qua đó, các con có thể trải nghiệm một kỷ niệm khó quên trong quãng đời tuổi thơ của mình.

Các em trường mầm non Trúc Xanh hào hứng chơi chợ Tết quê.

Các em trường mầm non Trúc Xanh hào hứng chơi chợ Tết quê.

Tôi biết có một trường trên địa bàn TP Thủ Dầu Một có truyền thống tổ chức các dịp chợ Tết quê hàng năm. Đó là trường mầm non tư thục Trúc Xanh, nằm ở trung tâm của TP. Với không gian sân trường tầm 200m2, trường sắp xếp được khoảng 10 gian hàng bán nhu yếu phẩm ngày tết và tổ chức trò chơi dân gian.

Chợ tết trường Trúc Xanh thường được tổ chức trước khi nghỉ tết Nguyên đán hai tuần. Do đó, cha mẹ cũng có thể tham gia cùng con trước khi về quê. Tại phiên chợ, các con được tập đi chợ, trao đổi, tương tác về những nhu cầu ăn uống ngày tết, qua đó hiểu thêm về cái tết cổ truyền của dân tộc.

Các em trường mầm non Trúc Xanh hào hứng chơi chợ Tết quê.

Các em trường mầm non Trúc Xanh hào hứng chơi chợ Tết quê.

Các con cũng hiểu thêm về các trò chơi dân gian như: trâu gắp lá đa, cào cào lá dừa, tò he, tô tượng, tranh dân gian và ông đồ cho chữ ngày xuân…

Cái không khí rộn ràng ngày xuân trong trường học đã giúp các con dạn dĩ trong giao tiếp với người lớn. Con biết và hiểu những điều mình muốn cho cả nhà khi chính tay cầm những tờ phiếu mệnh giá 10, 20 ngàn để mua bánh kẹo, hoa, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, cá lóc… cho ngày tết. Tôi tin các con sẽ nhen nhóm trong lòng những điều tốt đẹp, trong sáng về chợ tết quê – nơi lưu giữ những tình cảm tình làng nghĩa xóm khắng khít, chia sẻ khó khăn vất vả với người nghèo.

Các bé trường mầm non Trúc Xanh hào hứng với phiên chợ Tết quê.

Các bé trường mầm non Trúc Xanh hào hứng với phiên chợ Tết quê.

Cô Nguyễn Thị Diễm, giáo viên đứng lớp đã 15 năm ở ngôi trường này chia sẻ: “Các con bây giờ thiếu không gian hòa nhập, vui chơi, sử dụng nhiều thiết bị công nghệ nên hay thụ động. Các con cũng ít khi thực sự cùng cha mẹ tham gia các sinh hoạt của gia đình. Do vậy, nhà trường cố gắng mỗi tuần luôn có các hoạt động vui chơi ngoài trời mang tính sáng tạo, làm việc nhóm. Hàng năm, trường cũng cố gắng kết hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện uy tín để tổ chức chợ tết quê cho các con”.

Theo cô Diễm, tham gia chợ tết, các con sẽ có nhiều kỷ niệm về tết cổ truyền của dân tộc, tìm thấy niềm vui mà không phụ thuộc vào thiết bị công nghệ.

Trong một quyển sách giáo dục trẻ em từ mẫu giáo đến tiểu học có nói một câu “Tell me, I Forget. Show me, I remember. Involve me and I learn” (tạm dịch nói với con, con sẽ quên. Chỉ cho con, con sẽ nhớ. Hãy để con làm, con sẽ học).

Tết cổ truyền là một dịp để tiếp nối, phát huy những giá trị tốt đẹp. Tôi tin rằng những hình ảnh rộn ràng, xúng xính áo mới, chơi những trò chơi khác lạ dân dã sẽ khắc sâu trong tâm trí những đứa trẻ. Hãy sắp xếp cho con được có những giây phút như vậy, để con lớn khôn , bù lại những lo toan, vất vả của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm