Trên 200 sản phẩm được làm từ dừa Bến Tre

(PLO)- Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa đứng đầu cả nước, hằng năm kim ngạch xuất khẩu ngành dừa của tỉnh đạt 300 triệu USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, diện tích dừa cả nước khoảng 188 ngàn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn; trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích lớn nhất, khoảng 77 ngàn ha (chiếm trên 40% diện tích dừa cả nước), sản lượng 670 ngàn tấn (chiếm 35%).

Hiện có khoảng 2/3 số hộ dân Bến Tre trồng dừa; trên 200 sản phẩm được làm từ cây dừa, đem lại nguồn thu lớn cho người dân.

Nhộn nhịp nghề dừa tại chợ dừa sông Thom ở Bến Tre. Ảnh: Đ.HÀ

Nhộn nhịp nghề dừa tại chợ dừa sông Thom ở Bến Tre. Ảnh: Đ.HÀ

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan hôm 13-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, hiện ngành dừa Bến Tre rất phong phú về sản phẩm. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chế biến sâu sản phẩm từ dừa sang lĩnh vực mỹ phẩm và đang nghiên cứu chế biến sản phẩm từ mộng dừa thành thực phẩm chức năng… mở ra hướng phát triển mới của cây dừa Bến Tre.

Theo đó, hiện ngành dừa Bến Tre hiện có hơn 100 doanh nghiệp, hằng năm kim ngạch xuất khẩu ngành dừa của tỉnh đạt 300 triệu USD. Bến Tre đang hướng tới mục tiêu năm 2025 ngành dừa của tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre trả lời các kiến nghị của cử tri về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có đề nghị của cử tri cần xem cây dừa là cây công nghiệp, vì đây là thu nhập chính của người dân tỉnh nhà, Chính phủ nên có chính sách để đầu tư, phát triển cây dừa như cây công nghiệp quốc gia.

Nông dân vận chuyển dừa. Ảnh: Đ.HÀ

Nông dân vận chuyển dừa. Ảnh: Đ.HÀ

Theo Bộ NN&PTNT, dừa là cây công nghiệp có diện tích tăng trong nhiều năm trở lại đây và trở thành cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Ngày 20-6-2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2207/QĐ-BNN-TT phê duyệt nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030; đối tượng của đề án gồm: Cà phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa.

Đề án này dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2023, với mục tiêu xác định được định hướng và giải pháp phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngành dừa đem lại thu nhập ổn định cho người dân Bến Tre. Ảnh: Đ.HÀ

Ngành dừa đem lại thu nhập ổn định cho người dân Bến Tre. Ảnh: Đ.HÀ

Bộ NN&PTNT cũng nêu rằng, khi đề án được phê duyệt sẽ làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển cây dừa trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và đời sống của người dân trồng dừa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm