Triển vọng hợp tác từ cuộc tập trận hải quân chung Nga-ASEAN đầu tiên

Hải quân Indonesia ngày 4-12 cho biết Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa hoàn tất cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai bên, hãng Reuters đưa tin.

Cuộc tập trận chung ARNEX-21 kéo dài ba ngày đã diễn ra ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia, nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Hải quân Nga trong khu vực hàng hải chiến lược này.

Nga-ASEAN lần đầu tập trận hải quân chung

Theo tuyên bố của người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjodjono, chủ đề của cuộc tập trận năm nay là “Hành động chung để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh tế hàng hải và hàng hải dân sự”.

Triển vọng hợp tác từ cuộc tập trận hải quân chung Nga-ASEAN đầu tiên. Ảnh: AFP

"Cuộc tập trận này có tác động chiến lược, vì cuộc tập trận được tổ chức nhằm vun đắp tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Nga" - ông Julius Widjodjono, đô đốc thứ nhất đồng thời là người phát ngôn Lực lượng Hải quân Indonesia, cho biết.

“Cuộc diễn tập chung ARNEX năm 2021 nhằm mục tiêu duy trì mối quan hệ hữu nghị giữa Indonesia, các nước ASEAN và Nga đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của quân nhân hải quân của các nước tham gia” - ông Julius cho hay.

Theo ông Julius, cuộc tập trận “tập trung vào hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác chiến thuật giữa các thành tố của tàu tác chiến trên mặt nước và máy bay”.

Nga đã cử chiến hạm Admiral Panteleyev - một trong những tàu khu trục lớp Udaloy được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương của nước này - và một máy bay trực thăng Ka-27 tham gia cuộc tập trận. Cả hai đều có khả năng chống tàu ngầm.

Theo Reuters, cuộc tập trận này gồm hai giai đoạn, có sự tham gia của tám tàu chiến và bốn máy bay đến từ Nga, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Brunei.

Ông Aleksei Bolotnikov - chỉ huy tàu Đô đốc Panteleyev của Nga - hy vọng cuộc tập trận tiếp theo giữa ASEAN và Nga có thể diễn ra ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Trước đó, Nga và ASEAN hồi tháng 10 đã tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 4, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nga.

Ý nghĩa từ cuộc tập trận hải quân Nga-ASEAN

Hãng Benarnews dẫn lời các nhà phân tích nhận định cuộc tập trận trên cho thấy ý định đẩy mạnh hợp tác của Moscow với khu vực này, song không báo trước một sự thay đổi lớn trong chiến lược địa chính trị của Nga.

Triển vọng hợp tác từ cuộc tập trận hải quân chung Nga-ASEAN đầu tiên. Ảnh: PHÁI ĐOÀN NGA TẠI ASEAN 

“Các cuộc diễn tập quân sự là một cách để các nước thể hiện tình hữu nghị, phát triển và cải thiện khả năng tương tác” - bà Olga Oliker, giám đốc chương trình Châu Âu và Trung Á tại tổ chức International Crisis Group nhận định.

“Tuy nhiên, tôi không cho rằng động thái này [của Nga] là một bước chuyển địa chiến lược lớn” – bà nói thêm.

“Nó phản ánh sự quan tâm và tham gia hợp tác của Nga đối với khu vực này, nhưng điều đó không thực sự mới: Nga đã từng nhấn mạnh đến việc hướng tới châu Á trong chính sách đối ngoại của mình và cũng đã phát triển quan hệ với một số quốc gia Đông Nam Á” – bà Oliker nhìn nhận.

Benarnews dẫn lời ông Artyom Lukin - phó giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Liên bang Viễn Đông của Nga ở Vladivostok – nhận định: “Bằng cách tổ chức cuộc tập trận hải quân đầu tiên với ASEAN, Nga chứng tỏ rằng họ có một số khía cạnh trong cuộc chơi khi nói đến địa chính trị của Đông Nam Á. nơi đóng trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương”.

Theo ông Lukin, diễn biến trên cũng đến trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước ASEAN quan tâm tới sự hiện diện của một cường quốc thứ ba có tính ổn định.

“Các nước ASEAN quan tâm đến việc thu hút sự tham gia của Nga vì từ lâu ASEAN đã khuyến khích các cường quốc bên ngoài trở thành các bên liên quan trong an ninh của khu vực” – ông Lukin nhìn nhận.

“Một chiến lược như vậy cho phép ASEAN đa phương hóa vấn đề địa chính trị của Đông Nam Á và bảo vệ họ trước các mối đe dọa tiềm tàng đến từ những quốc gia có thể trở thành bá chủ” – ông Lukin nói thêm.

Trong khi đó, ông Mason Clark - nhà phân tích hàng đầu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh – cho rằng: “ARNEX có vẻ tập trung hơn vào vấn đề an ninh hàng hải hơn là các cuộc tập trận quân sự hải quân mà Nga đã tiến hành với Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc trong năm nay”.

Liên quan nhận định này, ông Vasily Kashin - nhà phân tích quốc phòng Nga - nói một cách đơn giản hơn: “Tôi nghĩ rằng trong khi chúng ta (Nga) tổ chức rất nhiều cuộc tập trận với Trung Quốc, chúng ta cũng nên có những hoạt động tương tự với các nước châu Á khác để có mối quan hệ cân bằng hơn trong khu vực. Như vậy sẽ hợp lý”.

Theo ông, các cuộc diễn tập sẽ không thách thức vị thế của Mỹ trong khu vực cũng như không khiến Trung Quốc phản đối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm