Triệt phá đường dây ‘hưởng gói bảo hành’ lừa đảo 380 tỉ đồng

(PLO)- Đường dây lừa đảo "hưởng gói bảo hành" khoảng 120 chi nhánh, đã lừa đảo chiếm đoạt khoảng 380 tỉ đồng của các bị hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình vừa khởi tố 11 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó, ra lệnh bắt tạm giam đối với chín bị can, truy nã đối Lê Thị Thuỷ (29 tuổi, ngụ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo công an, từ năm 2018, Tạ Tùng Lâm đăng ký thành lập công ty TNHH WallStreet với ngành nghề chính là kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng, vật tư y tế; có trụ sở tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Đến cuối năm 2021, Lâm và Lê Thị Thuỷ tự lập ra nhóm “VIDA Group” chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

Bị can Tạ Tùng Lâm (tay trái). Ảnh CA
Bị can Tạ Tùng Lâm (tay trái). Ảnh CA

Lâm và Thuỷ lập ra Fanpage bán hàng online lấy tên là “Cộng đồng Thương mại điện tử VIDA Group” và thành lập các chi nhánh cấp dưới, đến nay xác định có 120 chi nhánh, mỗi chi nhánh từ bảy đến mười nhân viên.

Nhóm này lập các trang Facebook có tên “Lương Y Giang Thị Nhàn”, “Bà Nhàn trị nám” để quảng cáo thuốc “Sắc Ngọc Đan” là điều trị dứt điểm các bệnh về nám, tàn nhang...

Khi có người mua thuốc thì các đối tượng gửi thuốc cho khách hàng qua bưu điện bằng hình thức Ship COD (nhận hàng trả tiền mặt cho nhân viên bưu điện). Sau đó, các đối tượng đưa ra thông tin là bị hại được "hưởng gói bảo hành" chữa bệnh trong 10 năm.

Gói bảo hành này mỗi tháng khách hàng sẽ được “Trung tâm cô Nhàn” gửi miễn phí một bộ sản phẩm điều trị nám, tàn nhang có giá trị hơn một triệu đồng, bị hại chỉ cần sử dụng hai đến ba năm là khỏi bệnh, số thuốc miễn phí còn lại của các năm “Trung tâm cô Nhàn” sẽ giúp bị hại bán ra thị trường với số tiền khoảng từ 100.000.000 đến 290.000.000 đồng, số tiền này bị hại sẽ được hưởng.

Các bị can liên quan trong vụ án. Ảnh CTV

Các bị can liên quan trong vụ án. Ảnh CTV

Những người lừa đảo đưa ra nhiều lý do buộc bị hại phải gửi tiền chi phí nếu muốn nhận gói bảo hành để hưởng số tiền nêu trên; hứa hẹn số tiền bị hại đã nộp để lo các chi phí sẽ được hoàn lại.

Để lấy lòng tin, họ giải thích là chuyển khoản qua Ngân hàng mới sợ bị lừa còn qua Bưu điện của Nhà nước cứ yên tâm nên bị hại tin là thật.

Mỗi lần nộp tiền, đối tượng sẽ gửi cho bị hại gói bưu phẩm bên trong là thực phẩm chức năng, ghi trên bưu phẩm số tiền mà đối tượng yêu cầu bị hại phải nộp. Khi nhận bưu phẩm bị hại nộp tiền cho nhân viên bưu điện.

Căn cứ tài liệu xác minh, thu thập được, ngày 5-7, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh thành lập 12 tổ công tác phối hợp với Công an Hà Nội triệu tập 17 người; khám xét khẩn cấp chỗ ở đối với 14 người.

Đồng thời, công an cũng thu giữ, quản lý, niêm phong các đồ vật, tài sản, tài liệu liên quan đến vụ án.

Công an xác định đường dây lừa đảo “hưởng gói bảo hành” có khoảng 120 chi nhánh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và đã lừa đảo chiếm đoạt khoảng 380 tỉ đồng của các bị hại.

Hiện Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, xử lí những người liên quan theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm