Triệu tập khoảng 20 người liên quan vụ sạt taluy ở Đà Lạt để điều tra

(PLO)- Công an TP Đà Lạt đã triệu tập khoảng 20 người liên quan để xác minh, điều tra vụ sạt taluy khiến bảy người thương vong ở Đà Lạt.

Ngày 3-7, Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết sau khi khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập những cá nhân liên quan vụ sạt lở tại địa bàn phường 10, TP Đà Lạt để làm việc.

Người dân bất an trước vách taluy dựng đứng

Theo đó, vụ sạt lở khiến bảy người thương vong ở Đà Lạt được xác định có nhiều sai phạm trong xây dựng tại một công trình xây dựng ở bốn thửa riêng biệt được sáu người đứng tên quyền sử dụng.

Cụ thể: thửa đất số 657 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III), quyền sử dụng của Lê Văn Lực và Hoàng Thị Kim Xuân, thửa đất số 656 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III) quyền sử dụng của Nguyễn Văn Trương và Trần Thị Thanh Bình, thửa đất số 659 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III) quyền sử dụng của Nguyễn Minh Thông, thửa đất số 658 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III) quyền sử dụng của Nguyễn Minh Tâm.

Hiện trường vụ sập taluy khiến 7 người thương vong. Ảnh: VT

Công trình bị sạt lở do Nguyễn Minh Thông, Nguyễn Minh Tâm, ông bà Nguyễn Văn Trương và Trần Thị Thanh Bình, ông bà Lê Văn Lực và Hoàng Thị Kim Xuân làm chủ đầu tư.

Nhà thầu thiết kế xây dựng và đảm trách thi công công trình này là công ty Cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng và công ty TNHH Hà Phát Thịnh phụ trách việc thẩm tra thiết kế.

Đoạn taluy xảy ra sự cố sập đổ nằm dọc theo ranh đất công trình phía taluy âm, trùng với hành lang an toàn đường điện theo phân khu B1. 2 cấp taluy này cách nhau 1,2 m, chiều dài khoảng 29 m thuộc phạm vi đất của hai hộ ông Nguyễn Minh Thông và ông Nguyễn Minh Tâm cùng với một phần đất hộ ông bà Lê Văn Lực và Hoàng Thị Kim Xuân.

Vị trí sạt lở là công trình taluy chắn đất có tổng chiều dài 381 mét, kết cấu bê tông cốt thép kết hợp hệ cọc vây 2 lớp D400.

Thời điểm xảy ra sự cố, hạng mục taluy đã hoàn thành thi công khoảng một năm trước, hiện chủ đầu tư công trình đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công.

Sau khi xây taluy bằng bê tông, chủ đầu tư công trình này đã đổ hàng hơn 2 ngàn khối đất và đá để san lấp, cải tạo mặt bằng.

Theo nhiều người dân ở đường Yên Thế, chủ đầu tư đã huy động nhiều xe ben, máy múc để san lấp mặt bằng công trình này từ hơn một năm nay.

Trong khi đó, một hộ dân sinh sống ở hẻm 38, đường Hoàng Hoa Thám, nói rằng khi nhìn thấy vách taluy dựng đứng của công trình này thì có những bất an. “Tôi không nghĩ chủ đầu tư lại “ẩu” như vậy khi xây dựng một công trình khổng lồ như thế khiến hậu quả quá nặng nề” - người dân này cho biết thêm

Công trình có dấu hiệu xây dựng sai phép

Trước đó, sau ba ngày quyết liệt điều tra, ngày 2-7, Công an TP Đà Lạt cho biết đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn phường 10, TP Đà Lạt.

Vách taluy bê tông còn lại trước khi bị giật xuống. Ảnh: VT

Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, công trình này đã có dấu hiệu xây dựng sai phép.

Ngay sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo TP Đà Lạt và các sở ngành tiếp tục thực hiện những giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại khu vực, khoanh vùng nguy hiểm, di dời, hỗ trợ người dân tại khu vực xảy ra sự cố.

Đồng thời, ngăn chặn người không phận sự tiếp cận khu vực, thực hiện giải pháp ngăn dòng, tạo dòng nước tập trung vị trí sự cố, có các biện pháp ngăn nước thấm xuống đất tại khu vực, giảm tải áp lực sau lưng kè chắn đất.

Đến chiều 1-7, do lo ngại vách taluy còn lại nằm quá cao, cheo leo giữa vách núi có thể sập bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho người và tài sản của nhân dân, chính quyền TP Đà Lạt đã chấp thuận cho chủ đầu tư và đơn vị thi công đánh sập vách taluy này.

Trong một động thái khác, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã có văn bản yêu cầu cán bộ, công chức liên quan không rời khỏi địa phương để phục vụ công tác điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới