Hai tuần sau kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều không có tuyên bố chung, ngày 15-3, Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố nước này đang cân nhắc ngưng đàm phán hạt nhân với Mỹ, hãng tin TASS (Nga) đưa tin. Tuyên bố này được bà Choe đưa ra trong cuộc họp báo tại thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham dự của nhiều nhà ngoại giao và truyền thông nước ngoài.
Triều Tiên tuyên bố cứng rắn
Bà Choe tuyên bố cứng rắn rằng Triều Tiên không hề có ý định sẽ nhân nhượng các yêu cầu của Mỹ hoặc tiếp tục thương lượng theo cách Mỹ muốn. Triều Tiên sẽ chỉ đồng ý tiếp tục đối thoại một khi Mỹ có các bước đi tương xứng với các thay đổi mà Triều Tiên thực hiện, như ngưng thử tên lửa và hạt nhân trong 15 tháng qua.
Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời bà Choe tại cuộc họp báo cho biết Mỹ đã bỏ qua một “cơ hội vàng” tại kỳ thượng đỉnh ở Hà Nội, đồng thời cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ suy nghĩ lại về việc ngưng thử tên lửa và hạt nhân. Bà Choe cho biết lãnh đạo Kim sẽ sớm có thông báo chính thức quan điểm của mình về việc thử hạt nhân, tên lửa cũng như đàm phán với Mỹ.
Phát ngôn của bà Choe có thể có liên quan đến thái độ tích cực, hy vọng của bà tại kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội tháng trước. Đài CNN (Mỹ) tuần trước dẫn một số nguồn tin quan chức Mỹ cho biết tại cuộc đàm phán này, bà Choe rất tất bật qua lại giữa phía lãnh đạo Kim với phái đoàn Mỹ với một đề xuất phá hủy toàn bộ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon để được dỡ bỏ trừng phạt. Và theo CNN, bà Choe và phía Triều Tiên đã thất vọng khi ông Trump quyết định cắt ngắn thượng đỉnh và bước ra khỏi bàn đàm phán.
Họp báo khuya 28-2 tại Hà Nội sau khi thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc không có tuyên bố chung, bà Choe cho biết ông Kim có thể đã không còn hăng hái theo đuổi một thỏa thuận với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại kỳ thượng đỉnh thứ hai tại Hà Nội. Ảnh: REUTERS
Mỹ cũng không chịu nhượng bộ
Theo trang tin Vox (Mỹ), ít nhất hai lần trong các cuộc đối thoại với Triều Tiên trong năm qua, chính phủ Trump có vẻ công nhận cách tiếp cận “từng bước một” có cơ hội thành công lớn nhất.
Tại Singapore, tháng 6-2018, hai lãnh đạo Mỹ, Triều đồng ý một tiến trình bốn điểm, bao gồm cải thiện quan hệ hai nước và giải trừ hạt nhân. Tháng 1-2018, chỉ một tháng trước kỳ thượng đỉnh thứ hai, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun có nói chính phủ Mỹ sẽ theo cách tiếp cận từng bước.
Tuy nhiên, hơn một tuần sau thượng đỉnh lần hai, ông Biegun khẳng định Mỹ sẽ không nhượng bộ Triều Tiên. Mỹ muốn thấy Triều Tiên phá hủy kho vũ khí hạt nhân trước khi đề nghị các lợi ích về kinh tế hoặc ngoại giao.
Ngày 14-3, tại TP New York (Mỹ), ông Biegun kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thống nhất trong việc làm áp lực lên Triều Tiên để nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trao đổi với các thành viên phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông Biegun nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thực thi toàn diện trừng phạt với Triều Tiên trong quá trình hai bên đối thoại hạt nhân, hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời một nhà ngoại giao có mặt trong cuộc gặp này cho biết.
Theo Vox, với các phát ngôn trong hai ngày 11 và 14-3, ông Biegun dường như thay đổi hoàn toàn quan điểm. Ông Biegun nói chính phủ Mỹ chưa bao giờ có suy nghĩ về cách tiếp cận “từng bước” trong đầu. Thay vào đó, ông Biegun nói tất cả bốn điểm của tiến trình “có liên quan” với nhau, rằng trước mắt Triều Tiên phải cho thấy được sự nghiêm túc về chuyện chấm dứt chương trình hạt nhân trước khi được giảm nhẹ trừng phạt kinh tế hoặc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều.
Chưa rõ tại sao quan điểm của Mỹ lại thay đổi một cách rõ ràng thế. Một trong những giả thuyết chính là uy tín của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, vốn cứng rắn về Triều Tiên, đã tăng lên qua thời gian thương lượng với Triều Tiên. Tháng trước, báo Washington Post (Mỹ) cho biết cả ông Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều thể hiện sự không hài lòng với hiệu quả tiếp cận Triều Tiên của ông Biegun.
Sau kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều không tuyên bố chung, ông Bolton liên tục có các phát ngôn cứng rắn với Triều Tiên. Mới nhất, trả lời phỏng vấn đài ABC (Mỹ) ngày 10-3, ông Bolton nói ông Trump sẽ không mắc sai lầm như các tổng thống Mỹ trước là nhượng bộ trước với Triều Tiên. Trước đó, trao đổi với đài Fox New (Mỹ) ngày 7-3, ông Bolton nói ông Trump không chấp nhận chuyện “Triều Tiên muốn từ bỏ càng ít càng tốt vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh hóa cũng như chương trình tên lửa đạn đạo để có thể đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt quy mô lớn”.
Vox nhận định Mỹ đã lật ngửa chủ trương “có tất cả hoặc không có gì” với Triều Tiên. Và trong trường hợp này, đối thoại có nguy cơ sẽ không còn. Vì vậy, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui ngày 15-3 là không có gì ngạc nhiên.
Các chuyên gia nói gì về chủ trương của Mỹ? Theo nhà phân tích David Santoro, Giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại Pacific Forum - chuyên phân tích chính trị, an ninh, diễn biến chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ vẫn giữ chiến lược Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân trước, đồng thời khẳng định chiến lược này sẽ không hiệu quả. Không chỉ nhà phân tích Santoro mà nhiều chuyên gia hạt nhân cũng cho rằng chủ trương này của Mỹ sẽ thất bại. Nếu vẫn giữ quan điểm này, mọi cơ hội thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân sẽ không còn. Theo chuyên gia hạt nhân Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ): “Nếu chúng ta không bỏ quan điểm này, chúng ta sẽ không đi được tới đâu, sẽ không có thỏa thuận nào nếu chúng ta cứ khăng khăng mọi thứ”. |