Các phóng viên báo chí ghi lại hình ảnh các xe tải quay về từ khu công nghiệp Kaesong tại một điểm quá cảnh ở thành phố Paju, Hàn Quốc. Ảnh: AFP
"Triều Tiên sẽ rút tất cả nhân viên ra khỏi khu vực này", Kim Yang-gon, một quan chức cấp cao của đảng Lao động cầm quyền cho biết trong một thông báo được hãng thông tấn chính thức KCNA đăng tải. Đồng thời, Bình Nhưỡng "sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động ở khu công nghiệp và cân nhắc việc duy trì hay đóng cửa Kaesong", ông Kim nói thêm. Ông Kim, người vừa có chuyến thăm đến Kaesong sáng nay, tuyên bố động thái trên của Triều Tiên là do bị dồn ép bởi "những kẻ hiếu chiến quân sự", đang tìm cách biến khu công nghiệp thành một địa điểm đối đầu, giữa tình hình căng thẳng đang leo thang trên bán đảo. "Tình hình diễn biến thế nào trong những ngày tới hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của chính quyền Hàn Quốc", ông nói. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hyun Oh-Seok hôm nay đã lên tiếng yêu cầu nước láng giềng gỡ bỏ lệnh cấm "vô lý" ở Kaesong. "Có thể Triều Tiên nghĩ rằng họ không còn gì để mất, nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng chẳng đạt được gì", ông Hyun nói. Theo ông, chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty Hàn Quốc bị ảnh hưởng do lệnh cấm này trong trường hợp cần thiết. Kaesong ra đời năm 2004, nằm sâu 10 km bên trong biên giới Triều Tiên. Đây là một biểu tượng quan trọng hiếm có về sự hợp tác kinh tế liên Triều và là nguồn thu ngoại tệ lớn đối với Bình Nhưỡng. Khoảng 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc trong các nhà máy của 123 công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp này. Đến nay Hàn Quốc đã đầu tư 900 tỷ won (hơn 800 triệu USD) vào Kaesong với tổng doanh thu đạt 2,1 tỷ USD. Triều Tiên ra lệnh cấm các quản lý và nhân viên người Hàn Quốc sang biên giới để vào làm việc tại Kaesong từ hôm 5/4, gây nên tình trạng thiếu nhân công, nhiên liệu và nhiều nguyên vật liệu khác. 13 công ty Hàn Quốc đã buộc phải ngừng sản xuất. Bất chấp nhiều thời điểm khủng hoảng trước đây trong quan hệ hai nước, Kaesong vẫn hoạt động và chưa bao giờ bị ngưng trệ như lần này. Hơn 300 người Hàn Quốc có mặt ở Kaesong khi lệnh cấm được thi hành đã quay về nước, nhưng vẫn còn hơn 500 người đang lưu lại đây.
Theo Anh Ngọc (VNE)