Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VII sẽ diễn ra vào ngày 6-5, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên cho biết ngày 27-4. Đây là đại hội Đảng đầu tiên kể từ đại hội Đảng lần VI năm 1980. Đại hội lần này sẽ bầu Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên.
Từ giữa tháng 3, Triều Tiên đã bắt đầu lựa chọn đại biểu cho đại hội Đảng sắp tới. Ông Kim Jong-un được chọn đại diện cho 12 TP, tỉnh và đại diện cho cả quân đội tham dự đại hội Đảng. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un vẫn sẽ nắm giữ quyền lực cao nhất Triều Tiên trong thời gian tới, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc).
Yonhap dẫn nhận định nhiều chuyên gia cho rằng hai điểm chính trong nội dung phát biểu của ông Kim Jong-un trong đại hội Đảng lần này sẽ là tái xác nhận chính sách phát triển vũ khí hạt nhân cũng như nỗ lực vực dậy nền kinh tế.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự lễ diễu hành vào năm 2013, kỷ niệm 60 năm ký thỏa thuận ngừng bắn với Hàn Quốc, ngưng cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ảnh: REUTERS
Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế đang rất cao. Mới tháng 3 rồi, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì thử hạt nhân lần thứ tư và thử tên lửa tầm xa dưới hình thức phóng vệ tinh.
Nhiều khả năng Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần này sẽ không có nhiều khách mời quốc tế cấp cao tham dự vì ngày càng nhiều nước tránh dây dưa với Triều Tiên do áp lực từ quốc tế, Yonhap dẫn nhận định của một quan chức Hàn Quốc giấu tên.
Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần VI năm 1980 có đến 177 phái đoàn từ 118 nước dự, trong đó có Trung Quốc và Nga. Đại hội Đảng lần V năm 1970 thì lại không có vị khách quốc tế nào.
Yonhap dẫn thông tin từ một quan chức chính phủ Triều Tiên giấu tên cho biết vì đại hội Đảng lần này, Triều Tiên mở chiến dịch “70 ngày trung thành” huy động người dân đóng góp của và công cho đại hội, làm dấy lên làn sóng bất mãn trong dân.
Triều Tiên đang tăng cường trấn áp công dân bỏ nước bằng cách tăng an ninh các khu vực biên giới mình với Trung Quốc, tin từ báo Korea Times (Hàn Quốc) ngày 26-4. Công dân Triều Tiên thường chọn bỏ trốn sang Trung Quốc, rồi từ đó sang Hàn Quốc.
Cụ thể, Triều Tiên đã dựng thêm gấp đôi lượng hàng rào kẽm gai, lắp đặt máy quay giám sát và cả đặt mìn dọc sông Tumen ngăn cách Triều Tiên với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng điện thoại di động trong nước.