Trình dự thảo Luật Điện lực sửa đổi trong tháng 7

(PLO)- Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến rộng rãi vào cuối tháng 3 này để tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Để thực hiện việc này, Bộ Công Thương đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với 47 thành viên do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng ban. Các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, viện nghiên cứu, hiệp hội; đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp ngành năng lượng.

Trong cuộc họp của ban soạn thảo diễn ra vào chiều 15-3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết có sáu chính sách lớn phải đáp ứng khi xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).

Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, sau gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2018 và năm 2022) đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập khung khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và thị trường điện lực.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thực tiễn về quản lý và sử dụng điện, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Điện lực hiện hành.

Một là quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Hai là phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Ba là hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

luật điện lực
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chiều 15-3. Ảnh: BCT

Bốn là quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Năm là quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện

Sáu là an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng ban hành Luật điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; phù hợp với các cam kết quốc tế; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch; phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…

Tại Nghị quyết số 203, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Chính phủ trước ngày 1-7-2024.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến rộng rãi vào cuối tháng 3-2024 và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến góp ý.

Sau khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định việc trình dự án Luật lên Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2024).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm