Trộm liên tỉnh, tòa không nhập án

Đáng chú ý là tòa đã bác kiến nghị của một luật sư (LS) yêu cầu nhập vụ án xét xử các bị cáo ở một tòa của một tỉnh dù các bị cáo phạm tội ở tám tỉnh khác nhau. Luật quy định về việc này như thế nào?

Trộm ở tám tỉnh, điều tra trước ba nơi

Theo hồ sơ, bảy bị cáo Lý Văn Đợi, Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Văn Điệp, Phùng Thanh Tâm, Lê Văn Mười, Lê Văn Dũng và Nguyễn Văn Dân đi ghe lần theo các tuyến sông khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ để trộm cắp. Từ tháng 1-2015 đến tháng 7-2016, các bị cáo đã trộm nhiều vụ ở TP Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, chiếm đoạt 3 tỉ đồng.

Sau khi bị bắt, bị cáo Mười và một số đồng phạm còn khai trước đó đã trộm ở năm tỉnh khác là Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Thấy vậy Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã thông báo cho năm địa phương này để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Trước khi tòa xét xử, LS Trần Vũ Thanh Toàn (Đoàn LS TP Cần Thơ) bào chữa cho bị cáo Mười đã có đơn kiến nghị về thẩm quyền xét xử của tòa án. Theo LS, quá trình điều tra các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội ở năm tỉnh khác. Công an huyện Trà Ôn, Vĩnh Long đã có công văn trao đổi với Công an TP Cần Thơ về việc nhập vụ án để cơ quan tố tụng nơi đây giải quyết. Nhưng Công an TP Cần Thơ đã có công văn trả lời là để mỗi nơi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử độc lập. Việc này cũng được Công an tỉnh Vĩnh Long và VKS cùng cấp nhất trí qua văn bản trao đổi với cấp huyện.

Theo LS Toàn, lẽ ra Công an TP Cần Thơ là nơi điều tra trước thì phải ủy thác điều tra cho Công an huyện Trà Ôn, sau đó nhập vụ án lại để giải quyết chung. Nếu tách án thì bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử ở nhiều nơi và khi tổng hợp hình phạt thì sẽ nặng hơn, bất lợi cho bị cáo và đồng phạm. Việc này còn tạo xung đột về thẩm quyền của các tòa án trong việc xét xử…

Được biết trước phiên xử này bị cáo Mười bị TAND huyện Trà Ôn tuyên phạt ba năm tù và Mười đang kháng cáo.

Bị cáo Lê Văn Mười (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: NN

Không có cơ sở nhập án

Tại phiên tòa, LS Toàn nói: “Tôi không đồng ý với VKS cho rằng việc xét xử các bị cáo ở nhiều nơi là có lợi vì các bị cáo sẽ không bị xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Theo LS, hiện đã có hai tòa cấp tỉnh khác cũng đang củng cố hồ sơ chuẩn bị xử các bị cáo. Nếu cộng mức hình phạt tại các bản án khác riêng đối với bị cáo Mười thì sẽ vượt khỏi 20 năm tù. Trong khi tại tòa VKS đề nghị áp dụng quy định có lợi cho bị cáo theo Nghị quyết 144 của Quốc hội. Theo đó, mức án cao nhất của tội trộm cắp tài sản theo khoản 4 Điều 173 BLHS 2015 là 20 năm tù (BLHS 1999 là tù chung thân - PV).

Đối đáp lại ý kiến của LS Toàn, đại diện VKSND TP Cần Thơ nói: “Hiện tại chỉ có TAND huyện Trà Ôn, Vĩnh Long đã xét xử, các địa phương khác chưa xử nên chúng tôi chưa tiên liệu được. Trong khi khoản 1 Điều 3 BLHS quy định về nguyên tắc xử lý là mọi hành vi phạm tội đều phải phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Vì vậy, tại từng địa phương, các cơ quan tố tụng xét xử đối với các tội phạm liên quan đến việc phạm tội tại địa phương mình là đúng”.

Nhận định trên của VKS được HĐXX chấp nhận. Theo HĐXX, địa bàn phạm tội của các bị cáo rộng, số lần phạm tội rất nhiều, trong thời gian dài. Trong khi TAND TP Cần Thơ xét xử thì các địa phương đang trong giai đoạn điều tra, thu thập chứng cứ.

Do vậy HĐXX không chấp nhận đề nghị của LS xét xử trong cùng một vụ án đối với toàn bộ hành vi phạm tội của các bị cáo. Bởi nếu vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc xử lý hình sự là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng theo đúng quy định pháp luật. Việc các bị cáo phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ được tổng hợp hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khó khăn cho điều tra thì không nhập

Khoản 1 Điều 117 BLTTHS quy định: Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm…

Đây là quy phạm tùy nghi, không có tính chất bắt buộc nên không thể hiểu là có trường hợp bắt buộc phải nhập vụ án để tiến hành điều tra. Mục đích của việc nhập vụ án là để thuận lợi cho việc giải quyết các vụ án. Dù có tính chất liên quan nhưng nếu nhập vụ án có thể gây khó khăn cho hoạt động điều tra thì không nhất thiết phải nhập. Trong vụ này, sau khi bị bắt các bị cáo mới khai thêm có trộm thêm ở năm tỉnh khác nên quá trình phối hợp điều tra, xác minh bị kéo rất dài, cản trở quá trình điều tra. Hơn nữa, các bị cáo phạm tội ở nhiều địa phương khác nhau nên có thể từng nơi xử lý độc lập. Do đó quyết định của tòa về việc không nhập vụ án nêu trên là không trái luật.

LS LÊ VĂN BÌNH (Đoàn LS TP.HCM)

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm