Trốn truy nã, giả sĩ quan quân đội né cảnh sát giao thông

Ngày 18-3, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm 14 bị cáo trong đường dây lừa đảo, làm giả giấy phép kinh doanh, bằng cấp chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Theo đó, bị cáo Trần Phi Long (SN 1983, ngụ quận 7, TP.HCM), Trần Văn Tuyền (SN 1971, ngụ tỉnh Bình Phước) và Lê Thanh Hùng (SN 1969, ngụ tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về các tội môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cùng hầu toà còn có 12 bị cáo khác bị truy tố một trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ và đưa hối lộ hoặc làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. 

Tuy nhiên do một số bị cáo trong vụ án dự kiến sẽ bị xét xử bởi một tội danh khác với truy tố của VKS nên toà hoãn phiên xử để thực hiện việc tống đạt mới... Theo kế hoạch, phiên xử sẽ mở lại vào ngày 8-4. Được biết, TAND TP.HCM từng trả hồ sơ, yêu cầu VKS cùng cấp làm rõ nhiều tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo là tội môi giới hối lộ hay lừa đảo...

Trước đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM từng hủy án vụ này để điều tra xét xử lại với lý do vụ án chưa xác định được người bị hại, người nhận hối lộ nên chưa đủ căn cứ cấu thành tội như án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo.

Các bị cáo trong lần xử trước tại TAND TP.HCM

Cáo trạng truy tố Long và các đồng phạm gian dối khi làm 4 giấy phép kinh doanh quán karaoke trái quy định và nhận hơn 1 tỉ đồng từ khách hàng. Cụ thể, năm 2011, Long nhận của Trần Ngọc Đức (SN 1950, giám đốc Công ty TNHH Bình Minh) bộ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán karaoke đã bị thu hồi của nhà hàng Vibox (quận 5, TP HCM).

Đầu tháng 7-2011, từ Nguyễn Văn Vinh (SN 1956), Long chuyển hồ sơ cho Lê Thanh Hùng làm giả với giá thỏa thuận là 800 triệu đồng. Long đưa trước cho Hùng gần 300 triệu đồng. Nhận tiền, Hùng đưa 100 triệu đồng cho Nguyễn Tuấn Anh (SN 1978) để lo việc này. Tuấn Anh tiếp tục chuyển hồ sơ cho người tên Thành (chưa rõ lai lịch). Do hồ sơ thiếu giấy phép PCCC nên Thành đề nghị làm giúp luôn, giá tăng thêm 5.000 - 7.000 USD. Cuối tháng 9-2011, Hùng thông báo đã có giấy phép, Long chuẩn bị giao nốt số tiền còn lại để nhận giấy phép. Tuy nhiên sau đó, Hùng không giao giấy phép nữa.

Không chỉ "chạy" giấy phép kinh doanh, các bị cáo còn làm luôn các loại bằng giả cho những người có nhu cầu, điển hình như Nguyễn Thị Mỹ Thu (SN 1982). Thu mong muốn thi vào lớp sau đại học chuyên khoa 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không đủ điều kiện. Khoảng tháng 7-2011, qua giới thiệu của Đặng Tiến Đức (SN 1967), Thu nhờ Long chạy xin giấy dự thi lớp sau đại học, chuyên khoa 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy, với giá 100 triệu đồng. Thỏa thuận xong, Thu giao Long hồ sơ và tiền. Long cam kết sau một tuần sẽ hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, khi bệnh viện Chợ Rẫy công bố danh sách dự thi vẫn không có tên Thu, Long giải thích là lo giúp Thu được tuyển thẳng. Sau đó, Long biến mất.

Trong quá trình điều tra, Long khai nhận đã chuyển hồ sơ cùng 100 triệu đồng cho Hùng để “chạy” nhưng Hùng nói chỉ nhận hồ sơ chứ không nhận tiền từ Long. Sau khi công an bóc gỡ đường dây phạm tội do Long cầm đầu, Hùng bỏ trốn khỏi địa phương. Đến tháng 11-2016, Hùng mới sa lưới pháp luật. Trong thời gian trốn truy nã, Hùng có nhặt hai bản photo màu giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam mang tên hai người khác nhau. Hùng dùng giấy chứng minh photo này đến một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng mua quân phục sĩ quan cấp tá.

Sau đó, Hùng mặc quân phục rồi chụp hình, gắn hình của mình vào giấy chứng minh photo đã nhặt được. Hùng khai nhận làm giấy chứng minh sĩ quan giả với mục đích “né” phạt khi tham gia giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới