Ngày 29-7, Công an quận 3, TP.HCM cho biết đã tiếp nhận trình báo của chị N.T.N.T (66 tuổi, Quận 1).
Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại là chiêu trò xưa cũ nhưng vẫn nhiều người bị lừa. Ảnh minh họa
Thông tin ban đầu, chị T nhận được cuộc gọi báo nhận bưu phẩm và hướng dẫn chị nhấn phiếm số 9 để liên hệ người gửi.
Sau khi bấm phím 9, chị T “được” nói chuyện với một người đàn ông xưng Thiếu tá Quân. Người này đe dọa và đề nghị điều tra tài khoản của chị T , đồng thời yêu cầu chị chuyển số tiền 140 triệu đồng vào số tài khoản 1010984160. Để tạo niềm tin, người này cung cấp một số điện thoại để chị liên hệ trực tiếp.
Người này khẳng định, sau khi điều tra, nếu đúng đây là số tiền sạch và chị không liên quan đến vụ việc, toàn bộ số tiền trên sẽ được hoàn trả cho chị đầy đủ.
Đến ngày hôm sau, không thấy vị này chuyển lại tiền, chị gọi lại số điện thoại trên thì nhận thông báo số này không có thật. Chị T tá hỏa đến công an trình báo.
Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Lê Minh Lê, đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3 rất nhiều lần khẳng định, với những trường hợp này, người dân không cần suy nghĩ mà cúp máy ngay lập tức vì đây là thông tin lừa đảo. “Thứ nhất các công ty điện thoại chỉ gửi thư để thông báo nợ cước chứ không sử dụng hộp thư thoại. Thứ hai, công an làm việc sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc. Thứ ba, công an không không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.”