Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến vừa có báo cáo công tác năm 2024 gửi tới Quốc hội. Một trong những nội dung được quan tâm liên quan đến tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp.
10 công chức ngành kiểm sát bị khởi tố về tội nhận hối lộ
“Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp”- Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết tại báo cáo gửi Quốc hội.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ 1-10-2023 đến 30-9-2024, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý điều tra 105 vụ/204 bị can, tăng hơn 31% về số vụ và trên tăng 35% về số bị can. Trong số này, có 78 vụ/146 bị can về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, chiếm trên 74%.
Nêu cụ thể việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của từng cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết cơ quan điều tra các cấp còn để xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
Những vi phạm điển hình được liệt kê báo cáo liệt kê như: không thụ lý giải quyết hoặc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền một số nguồn tin về tội phạm; vi phạm thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm không đúng quy định pháp luật...
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng lưu ý vi phạm thời hạn điều tra; vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng; việc phân loại, bố trí tạm giữ, tạm giam không đúng quy định; còn để xảy ra việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết do tự sát...
Báo cáo gửi tới Quốc hội cho thấy Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 55 vụ/115 bị can nguyên là điều tra viên, cán bộ điều tra ngành Công an (số cũ 11 vụ/39 bị can; số mới thụ lý, khởi tố 41vụ/76 bị can; số phục hồi 3 vụ) để xử lý về các tội: Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Giả mạo trong công tác; Dùng nhục hình; Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc...
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ ngành Kiểm sát đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót của công chức, kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, như: Một số vụ án phải rút một phần quyết định truy tố; một số cán bộ, kiểm sát viên có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ..
“Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố điều tra 4 vụ/10 bị can là công chức ngành KSND về tội nhận hối lộ”- ông Nguyễn Huy Tiến cho biết.
13 công chức ngành tòa án bị khởi tố
Với hoạt động xét xử, quá trình kiểm sát đã phát hiện một số tòa án còn để xảy ra những vi phạm pháp luật, như vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa; gửi, tống đạt bản án, quyết định của tòa án; thời hạn gửi thông báo thụ lý vụ, việc dân sự và chuyển hồ sơ.
Đặc biệt, một số cán bộ, thẩm phán của cơ quan toà án vi phạm pháp luật như nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án,...
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 11 vụ/13 bị can là công chức ngành Tòa án về các tội: Nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.
Hoạt động thi hành án hình sự, dân sự, hành chính cũng được chỉ rõ còn để xảy ra vi phạm.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thụ lý, điều tra 18 vụ/21 bị can (gồm: số cũ 6 vụ/7 bị can; số mới thụ lý 11 vụ/13 bị can; số phục hồi điều tra 1 vụ/1 bị can là công chức Cơ quan Thi hành án dân sự về các tội: Tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng....
Trong số này, có 4 vụ/4 bị can bị điều tra về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 6 vụ/7 bị can về tội tham ô tài sản và 1 vụ/1bị can về tội nhận hối lộ.
Với hoạt động bổ trợ tư pháp, Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay trong năm 2024, các vi phạm xảy ra tập trung chủ yếu liên quan tới hoạt động định giá tài sản. Vi phạm này xảy ra tại các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Cạnh đó là các vi phạm về thành lập hội đồng định giá; vi phạm về căn cứ ban hành kết luận định giá và nguyên tắc định giá; vi phạm trong việc trưng cầu giám định; vi phạm trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ phục vụ công tác xét xử ; vi phạm của Luật sư trong việc xác lập hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng…
Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và hoạt động điều tra tội phạm, ngành kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật.
Theo đó, VKSND các cấp đã ban hành gần 18.500 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (tăng 3,8%).
“Các kiến nghị, kháng nghị của VKS có căn cứ, xác đáng nên đã được các cơ quan, tổ chức tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, góp phần quan trọng, bảo đảm hoạt động tư pháp ngày càng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, hạn chế sai sót, vi phạm’- báo cáo nêu.