Trong 3 hạng nhà chung cư, chung cư nhà bạn thuộc hạng nào?

(PLO)- Theo quy định hiện hành, nhà chung cư được phân thành 3 hạng A, B, C với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Chung cư nhà bạn thuộc hạng nào?

Chiều 7-8, tiếp tục chương trình làm việc tại Đà Nẵng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, số lượng nhà chung cư thực hiện việc phân hạng là không nhiều, chỉ gồm bảy nhà chung cư trên cả nước, còn lại không thực hiện phân hạng và công nhận phân hạng theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Vậy vì sao lại có thực trạng này?

Hiện nay, việc phân hạng, công nhận hạng nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Thông tư 31/2016 của Bộ Xây dựng.

Về nguyên tắc, việc phân hạng và công nhận hạng được thực hiện khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân theo quy định. Tức là cơ quan quản lý nhà nước không chủ động thực hiện và cũng không bắt buộc các chung cư phải thực hiện thủ tục phân hạng.

Do đó, số lượng nhà chung cư được phân hạng trên thực tế là cực kỳ nhỏ giọt.

Việc phân hạng nhà chung cư được xác định trên cơ sở bốn nhóm tiêu chí gồm: Nhóm tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc; nhóm tiêu chí về hệ thống, thiết bị kỹ thuật; nhóm tiêu chí về dịch vụ, hạ tầng xã hội; nhóm tiêu chí về chất lượng, quản lý, vận hành.

Từ đó, nhà chung cư được phân thành 3 hạng A, B, C.

Các nhà chung cư được phân hạng đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phân hạng gồm:

(i) Có đề nghị của cơ quan, tổ chức theo quy định; nhà chung cư được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo đúng Giấy phép xây dựng được cấp (đối với trường hợp yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng);

(ii) Nhà chung cư phải đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác có liên quan;

(iii) Nhà chung cư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan, đã được bàn giao đưa vào sử dụng và không vi phạm các quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị công nhận hạng;

(iv) Nhà chung cư phải không thuộc diện bị phá dỡ, không thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, nhà chung cư hạng A đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 31/2016 (tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội; chất lượng, quản lý, vận hành). Nhà chung cư hạng B đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 31/2016.

Ai có quyền đề nghị phân hạng nhà chung cư?

Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà thuộc diện phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở thì trường hợp chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư đề nghị công nhận hạng nhà chung cư. Trường hợp đã thành lập Ban quản trị nhà chung cư thì Ban quản trị đề nghị công nhận hạng nhà chung cư.

Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng không thuộc diện phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở thì phải có văn bản thống nhất của trên 50% tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đó đề nghị công nhận hạng nhà chung cư.

Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu (bao gồm cả trường hợp có Ban quản trị nhà chung cư) thì chủ sở hữu đề nghị công nhận hạng nhà chung cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới