Ngày 17-3, cuộc gặp đầu tiên và rất được mong đợi của bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức - nước hàng đầu châu Âu và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng (Mỹ), sau vài ngày hoãn vì bão tuyết ở Mỹ.
Theo Nhà Trắng, các chủ đề trong cuộc hội đàm là củng cố NATO, đánh IS, giải quyết xung đột Ukraine... đều là những vấn đề cần có sự hợp tác chặt giữa Mỹ và Đức. Ngoài ra, ông Trump và bà Merkel còn bàn phát triển việc làm, tăng huấn luyện lao động và nhiều vấn đề toàn cầu khác.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Trump hoan nghênh vai trò dẫn đầu của Đức ở Afghanistan và Ukraine, tuyên bố ủng hộ NATO, tuy nhiên đề nghị Thủ tướng Merkel cứng rắn với NATO về đóng góp chi phí. Bà Merkel cho biết chi tiêu quốc phòng của Đức sẽ tăng lên mức 2% GDP vào năm 2024 và sẽ tiếp tục vận động để các nước NATO khác chịu đóng góp 2% cho quốc phòng.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng nhắc nhở bên cạnh tăng chi quốc phòng thì các công tác ngoại giao và phát triển cũng rất quan trọng với an ninh. Bà Merkel muốn ám chỉ đến việc ông Trump đang muốn cắt giảm 37% ngân sách Bộ Ngoại giao, từ đó cắt 50%-60% hỗ trợ cho các chương trình của LHQ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng (Mỹ) ngày 17-3. Ảnh: DW
Họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Trump xác định các bên phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine, khẳng định Mỹ và Đức phải tiếp tục hợp tác ngăn chặn Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống Trump một lần nữa nhắc lại đề nghị Thủ tướng Merkel cứng rắn với NATO: “Nhiều nước đã ỷ lại tài chính trong nhiều năm qua, đây là điều rất không công bằng với Mỹ”.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel nói rằng bà có thể hiểu được các bận tâm chính của ông Trump, khẳng định Đức sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng và đang vận động các đồng minh châu Âu làm tương tự.
Đây là cuộc họp báo chung thứ tư của ông Trump với một lãnh đạo nước ngoài. Theo NBC News, dù chưa mang lại các thỏa thuận chính sách nhưng ít nhất cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Trump có thể sẽ giúp làm ấm hơn quan hệ Mỹ-Đức, đặc biệt trước Hội nghị G7 vào tháng 5 và G20 vào tháng 7.
Fox News mô tả cuộc họp báo diễn ra thân tình, dù Tổng thống Trump lúc tranh cử đã không tiếc lời chỉ trích Thủ tướng Merkel. Một trong những chỉ trích nặng nề nhất là nói bà Merkel phá hủy nước Đức với việc cho phép làn sóng người tị nạn Syria vào Đức.
Theo Fox News, các hành động và phát ngôn gần đây cho thấy ông Trump đã có thiện chí gạt bỏ các bất đồng với không chỉ bà Merkel mà các nguyên thủ nước ngoài khác, cũng như với bộ phận nghị sĩ Cộng hòa vốn không ủng hộ ông, tìm kiếm sự hợp tác, tin tưởng. Cuộc gặp có thể sẽ giúp khởi động lại quan hệ hai nước vốn có phần xấu đi do các phát ngôn của ông Trump trước đây.
Báo DW của Đức cũng nhận định cuộc gặp diễn ra khá tốt đẹp. Tuy nhiên, theo DW, đằng sau sự bảo đảm sẽ duy trì quan hệ liên lục địa này là sự bất đồng tiềm tàng. Một trong những dấu hiệu đó là, tại cuộc họp báo bà Merkel đã có lời lẽ ám chỉ đến những chỉ trích trước kia của ông Trump với bà: “Tốt hơn nhiều khi chúng ta nói trực tiếp với nhau hơn là nói về nhau”. Bên cạnh đó, hai lãnh đạo đã không bắt tay theo truyền thống khi chụp ảnh tại Phòng Bầu dục.
“Đề nghị bắt tay của bà Merkel đã gặp phải sự im lặng phát ngượng, nhắc nhở khoảng cách trong quan điểm giữa hai lãnh đạo vẫn rất xa” - theo chuyên gia Stephen Farnsworth tại ĐH Mary Washington (Mỹ).
Chuyên gia Stephen Farnsworth nhận xét cuộc họp báo cho thấy hai lãnh đạo không có nhiều điểm chung, chỉ là hai bên tránh đưa ra những lời khó nghe về nhau trước đám đông.