Thủ tướng Đức Angela Merkel được biết đến là một người khéo léo và thận trọng, một nhà vật lý Đông Đức luôn tốn nhiều thời gian cho các quyết định và không để ý đến sự tung hô của đám đông. Tổng thống Mỹ, tỉ phú Donald Trump được biết đến là một người thích sự hoan hô và nổi bật trước đám đông. Nhiều chú ý đang đổ dồn về cuộc gặp của hai lãnh đạo với hai tính cách khác nhau này tại Mỹ ngày 14-3.
Cuộc gặp mà theo như cách gọi của Reuters là một cuộc chạm trán sẽ được các nước theo dõi sát, hy vọng tìm ra được tín hiệu gì đó cho tương lai liên minh xuyên lục địa giữa Mỹ và châu Âu. Liên minh, quan hệ đối tác này đã giúp định hình trật tự thế giới kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, tuy nhiên đang có nguy cơ bị tan vỡ với ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel từ Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 28-1. Ảnh: REUTERS
Theo ông Charles Kupchan, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, cố vấn của Tổng thống Obama về chính sách châu Âu, đây có thể xem là cuộc gặp quan trọng nhất của ông Trump trong thời gian làm tổng thống với một lãnh đạo nước ngoài.
Với bà Merkel, đây cũng là một cuộc gặp cực kỳ quan trọng. Nhiều quan chức Đức cho biết bà Merkel - một người luôn chú trọng các chi tiết đã và đang chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi của mình đến Mỹ gặp ông Trump.
Bà Merkel đã xem rất nhiều bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của ông Trump. Trong đó có cả bài phỏng vấn hỏi đáp dài dằng dặc của ông Trump trên tạp chí Playboy năm 1990, trong đó ông Trump đề cập đến nhiều ý tưởng gây tranh cãi mà giờ ông đang cố gắng thực hiện với tư cách tổng thống.
Cấp dưới bà Merkel đã phân tích các cuộc gặp giữa ông Trump với các nguyên thủ nước ngoài khác, như với Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cùng bàn cách tốt nhất đối xử với một cựu ngôi sao truyền hình thực tế dễ thay đổi.
“Chúng tôi phải chuẩn bị cho thực tế là ông ấy không muốn nghe nói nhiều, ông ấy thích quan điểm rõ ràng, không thích đi sâu vào chi tiết” - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đến tham dự hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 9-3. Ảnh: REUTERS
Bà Merkel là lãnh đạo lâu đời nhất châu Âu hiện nay và ông Trump là tổng thống Mỹ thứ ba mà bà Merkel làm việc cùng.
Bà Merkel đã có quan hệ tốt với Tổng thống George W. Bush - vốn rất mong mỏi cải thiện quan hệ với Đức sau khi xung đột với người tiền nhiệm của bà Merkel là Tổng thống Đức Gerhard Schroeder quanh cuộc chiến Iraq.
Thời Tổng thống Barack Obama, quan hệ khởi điểm lúc đầu không được thuận lợi khi bà Merkel cự tuyệt đề nghị của ông Obama được phát biểu tại Cổng Brandenburg ở Berlin (Đức) khi ông tranh cử tổng thống năm 2008. Tuy nhiên, khi ông Obama làm tổng thống, quan hệ hai bên tốt đẹp dần theo thời gian, cùng hợp tác trừng phạt Nga và thương lượng về tự do thương mại xuyên lục địa. Với bà Merkel, Tổng thống Obama không chỉ là một đối tác chính trị mà còn là một người bạn thân.
“Cuộc chia tay thật khó khăn với tôi” - bà Merkel từng thừa nhận khi ông Obama có chuyến thăm Đức để chia tay bà tháng 11-2016.
Thủ tướng Merkel và Tổng thống Obama đi dạo lúc tham gia hội nghị G7 ở Đức tháng 7-2015. Ảnh: REUTERS
Bà Merkel và ông Trump liệu có thể trở thành bạn tốt như quan hệ bà đã có với Tổng thống Obama hay không? Khả năng lớn là không, theo ông Kupchan - cố vấn của Tổng thống Obama. Tuy nhiên theo ông, dù khác nhau và có nhiều bất đồng nhưng cuộc gặp sắp tới sẽ không đến nỗi quá khó khăn vì cả hai người đều rất quan tâm đến việc hợp tác cùng nhau.
Nói với Reuters, nhiều quan chức Đức cho biết một trong những lo ngại lớn nhất của đội ngũ bà Merkel là khả năng xảy ra bất ngờ trong chuyến thăm. Thủ tướng Nhật Abe từng lúng túng với cái bắt tay kéo dài 19 giây với ông Trump, trong khi Thủ tướng Anh May từng bị truyền thông Anh chỉ trích vì nắm tay ông Trump khi đi dạo ở Nhà Trắng.
Bà Merkel từng thừa nhận mình là người không giỏi ứng phó với các bất ngờ. Ngay từ hồi còn nhỏ bà đã dành cả tháng trời để lên danh sách những món quà mình mong muốn được tặng trong dịp Giáng sinh để không phải khó xử khi phải nhận món quà mình không mong muốn.