Nhà báo Mỹ nổi tiếng Dan Rather đã từng viết trên Facebook nghi vấn về mối liên hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Nga có thể trở thành vụ tai tiếng không thua gì vụ Watergate. Ông Trump khăng khăng cho rằng nghi vấn ấy là ngụy tạo. Tuy nhiên, tạp chí Mỹ Slate đánh giá có một số sự kiện dường như đáng tin cậy trong khi có nhiều vấn đề chưa có lời giải đáp.
Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ?
Những điều đã biết: Mùa hè năm ngoái, các công ty an ninh mạng tư nhân thông báo hai nhóm tin tặc Nga Cozy Bear và Fancy Bear đã xâm nhập mạng máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ. Thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và của ông John Podesta, cố vấn ứng cử viên Hillary Clinton, đã bị rò rỉ qua các tin tặc Guccifer 2.0, DCLeaks và trang web Wikileaks.
Đến tháng 10-2016, Mỹ chính thức lên án Nga đạo diễn chiến dịch tin tặc nhằm hậu thuẫn cho ông Trump. Sau khi ông Trump thắng cử, các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục chỉ trích Nga đạo diễn vụ đánh cắp thông tin trên. Cuối năm 2016, Mỹ quyết định cấm vận Nga và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.
Những điều chưa biết: Hầu hết thông tin nêu trên xuất phát từ các nguồn tin khó kiểm chứng (các quan chức Mỹ đều giấu tên). Đến tháng 1-2017, báo cáo giải mật của các cơ quan tình báo Mỹ nhận xét Tổng thống Putin đã tích cực tìm cách giúp ông Trump. Dù vậy báo cáo lại có nhiều chỗ chưa chuẩn xác.
Hồ sơ của Christopher Steele
Những điều đã biết: Ngày 12-1, đài truyền hình CNN đưa tin Tổng thống đắc cử Trump và Tổng thống Obama đã được báo cáo về hồ sơ ghi chép của một cựu nhân viên tình báo Anh về chiến dịch của Nga nhằm hủy hoại thanh danh của ông Trump. Cùng ngày, trang web BuzzFeed đã công bố hồ sơ này.
Theo hồ sơ, phía Nga đã gài bẫy quay video ông Trump vui vẻ với gái làm tiền Nga và ghi âm điện đàm giữa êkíp tranh cử của ông Trump với các quan chức Nga, trong đó có cuộc gặp giữa Michael Cohen, luật sư của ông Trump và quan chức Nga Oleg Solodukhin ở Prague (Czech) hồi tháng 8-2016.
Sau đó, danh tính cựu nhân viên tình báo Anh được tiết lộ là Christopher Steele.
Những điều chưa biết: Chưa rõ hồ sơ nêu trên có thật hay không và các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá hồ sơ thật đến mức độ nào. Luật sư Michael Cohen cho biết không có cuộc gặp nào ở Prague vào tháng 8-2016. Cơ quan tình báo Czech cũng khẳng định như thế. Hồ sơ cho rằng ông Trump sẽ nắm giữ 19% vốn trong Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Thực ra Rosneft bán phần vốn này vào tháng 12-2016 cho người khác. Chưa rõ người lập hồ sơ nhằm mục đích gì.
Thông tin rò rỉ về nghi vấn ông Trump có quan hệ với Nga theo biếm họa của DARYL CAGLE (Mỹ).
Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn
Những điều đã biết: Michael Flynn, nguyên Giám đốc Cục Tình báo quốc phòng, đã được ông Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia. Ngày 12-1, báo Washington Post tiết lộ ông Flynn nhiều lần điện đàm với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trong ngày 29-12-2016, ngày Mỹ cấm vận Nga vì Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Trong điện đàm, ông Flynn trấn an Nga về vấn đề cấm vận. Đây là hành vi trái phép vì đạo luật Logan cấm công dân Mỹ thương lượng với chính phủ nước ngoài.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết ông Flynn báo cáo khẳng định không nói gì về cấm vận. Đến cuối tháng 1, Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates báo cáo ông Flynn đã nói dối. Ông Flynn bị FBI hỏi thăm và ngày 13-2 đã từ chức.
Những điều chưa biết: FBI đã nghe lén điện đàm giữa ông Flynn và đại sứ Nga nhưng điều chưa công bố là ông Flynn có nói đến vấn đề cấm vận trong điện đàm hay không và ông Flynn đã trả lời FBI thế nào. Cũng chưa rõ có ai trong chính phủ của ông Trump biết nội dung điện đàm của ông Flynn hay đồng ý cho ông này nói về cấm vận không.
Giám đốc tranh cử Paul Manafort
Những điều đã biết: Trước khi giữ chức giám đốc tranh cử của ông Trump trong vài tháng hồi năm ngoái, Paul Manafort đã từng làm nghề vận động hành lang. Manafort đã đưa Viktor Yanukovych đắc cử tổng thống Ukraine (thân Nga) năm 2010. Tháng 8-2016, cơ quan điều tra Ukraine tìm thấy một cuốn sổ viết tay mô tả Manafort đã nhận 12,7 triệu USD tiền mặt do đảng của Tổng thống Yanukovych trả thù lao. Manafort bác bỏ tin này nhưng sau đó từ chức giám đốc tranh cử.
Những điều chưa biết: Bạn bè của Paul Manafort ở Ukraine và Nga có thể sẽ mong đợi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga vốn đã được Mỹ áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, chưa rõ Manafort thúc đẩy xu hướng thân Nga trong êkíp của ông Trump đến đâu và Manafort có làm việc trực tiếp với chính phủ Nga trong lúc làm việc cho ông Trump hay không.
Liên lạc với cơ quan tình báo Nga
Những điều đã biết: Báo New York Times ngày 14-2 đưa tin trong quá trình điều tra vụ tin tặc đánh cắp thông tin, cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén được điện đàm giữa êkíp tranh cử của ông Trump và các quan chức tình báo Nga. Nội dung điện đàm liên quan đến nhiều người thân cận của ông Trump như Paul Manafort, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Carter Page, cố vấn đối ngoại của ông Trump.
Trump và các cố vấn không thừa nhận. Ban đầu Nga cũng tuyên bố như thế nhưng sau bầu cử Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lại khẳng định “có tiếp xúc” giữa chính phủ Nga và êkíp tranh cử của ông Trump.
Đến ngày 19-2, báo New York Times tiết lộ một tuần trước khi ông Michael Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia, ông nhận được một báo cáo về dỡ bỏ cấm vận Nga. Báo cáo do ba người soạn thảo gồm luật sư Michael Cohen, doanh nhân Mỹ gốc Nga Felix Sater và nhà chính trị Andrii Artemenko người Ukraine.
Những điều chưa biết: Các quan chức tiết lộ thông tin cho báo New York Times không cung cấp thông tin nào về nội dung điện đàm nghe lén hay danh tính cố vấn nào của ông Trump tham gia điện đàm, trừ Manafort. Cũng chưa rõ quan chức Nga nào liên quan, quan chức ấy thân cận với cơ quan tình báo Nga đến đâu và êkíp của ông Trump có biết đang điện đàm với nhân viên tình báo Nga hay không.
Trump đầu tư ở Nga
Những điều đã biết: Ông Trump đã dự tính thực hiện nhiều dự án bất động sản ở Nga từ thập niên 1980 nhưng mọi dự án đều thất bại ngay từ đầu. Trump cũng có vài vụ làm ăn ở Nga như hợp tác với một tỉ phú Nga trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 tại Moscow và bán căn hộ của ông ở Palm Beach cho tỉ phú Nga Dmitry Rybolovlev năm 2008 với giá 95 triệu USD.
Trong lời nói, ông Trump không giấu thái độ khâm phục Nga và Tổng thống Putin. Ông cho rằng Nga và Mỹ có thể hợp tác tiêu diệt IS. Ông đã đề cử vào vị trí ngoại trưởng ông Rex Tillerson là chủ tịch một tập đoàn dầu khí có làm ăn với Nga và là người chủ trương phản đối cấm vận Nga.
Những điều chưa biết: Do ông Trump không công khai thu nhập nên khó đánh giá quy mô đầu tư của ông ở Nga. Đến nay cũng chưa có dấu hiệu Nga hưởng lợi từ ông Trump vì chưa có động thái nào cho thấy Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận Nga. Quan điểm của Mỹ về Ukraine và Syria cũng không thay đổi.
- Ngày 2-3, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions thừa nhận đã gặp Đại sứ Nga Sergey Kislyak hai lần năm 2016 lúc ông làm thượng nghị sĩ. Trước đó ông đã bác bỏ điều này trong điều trần trước Thượng viện. Ông đề nghị bản thân ông sẽ không giám sát FBI điều tra về Nga. Đảng Dân chủ đã kêu gọi ông từ chức. - Cùng ngày, nghị sĩ Sherrod Brown (đảng Dân chủ) thuộc Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ đã gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đề nghị Bộ thẩm định xem các đối tác làm ăn của ông Trump và gia đình có vi phạm luật Mỹ về cấm vận, rửa tiền hay chống khủng bố hay không. - Báo USA Today ngày 2-3 tiếp tục tiết lộ êkíp tranh cử của ông Trump đã có nhiều cuộc gặp với Đại sứ Nga Sergey Kislyak ở Cleveland. Báo New York Times cùng ngày cho biết cố vấn Jared Kushner, con rể ông Trump, cũng từng cùng cựu cố vấn Michael Flynn gặp đại sứ Nga tại tòa nhà Trump Tower. |