Tiếng Trung - "món hàng" nhập khẩu có giá nhất của người Mỹ
Một nhà báo giáo dục ở Mỹ, một blogger đồng thời là tác giả của cuốn ‘Awaken Your Birdbrain: Using Creativity to Get What You Want’ đã viết như vậy trên tờ nhật báo Thượng Hải.
Trung Quốc hiện đang đầu tư tài chính vào các chương trình dạy tiếng Trung ở Mỹ.
Trong khi các nhà phê bình nghi ngờ về động cơ của Bắc Kinh và đánh giá chương trình như là những phương tiện tuyên truyền để mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thì người Mỹ đã nắm lấy cơ hội này để có những hiểu biết kĩ càng hơn về đối thủ cạnh tranh và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Nguồn tài chính từ Bộ Giáo dục Trung Quốc được cung cấp cho các chương trình như Học viện Khổng Tử và lớp học về Khổng Tử - nơi mà các sinh viên Mỹ sẽ được giới thiệu về tiếng Trung và được học về văn hóa Trung Quốc.
Hanban – một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc đang gửi các giáo viên từ nước này sang các trường học của Mỹ với mức lương được trợ cấp mỗi tháng là 13.000 đô la Mỹ mỗi năm. Các trường học Mỹ sẽ trả phần còn lại.
Hanban cũng trợ cấp phí đi lại cho các nhà giáo dục Mỹ tới thăm các trường học Trung Quốc với hi vọng họ sẽ bắt đầu thực hiện các chương trình dạy tiếng Trung khi trở về.
Nói cách khác, người Mỹ đang tìm hiểu về Trung Quốc ngay tại Trung Quốc.
Blogger nổi tiếng trên nhận định, cho dù Bắc Kinh có những động cơ ‘đáng ngờ’ song ở một vài khía cạnh, những chương trình dạy tiếng Trung đã mang lại những lợi ích cho người Mỹ.
Theo anh, lợi ích lớn nhất của Mỹ là đào tạo được nhiều nhà ngoại giao và doanh nhân hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc.
Thứ hai, trong tình trạng tài chính khó khăn, trường học của Mỹ đang phải cắt giảm ngân sách cho các lớp học ngoại ngữ thì lời đề nghị của Bắc Kinh là sẽ trợ cấp một phần chi phí là một tin quá tốt và khó có thể từ chối.
Thứ ba, ngoài khả năng giao tiếp được trong một quốc gia khác, việc học ngoại ngữ còn mang lại nhiều lợi ích. Nó có ảnh hưởng tích cực trong sự phát triển trí tuệ, những thành quả trong học thuật và quan điểm về các nền văn hóa khác.
Thứ tư, sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc các cơ hội nghề nghiệp sẽ rất phong phú cho những người biết tiếng Trung và hiểu về văn hóa Trung Quốc.
Tiếng Trung là ngôn ngữ đầu tiên được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Số người bản địa nói tiếng Trung nhiều gấp 3 lần người nói tiếng Anh.
Bắc Kinh: Ráo riết tu bổ tiếng Anh
Trong khi đó, theo báoTân Hoa Xã, Bắc Kinh trở thành thành phố lớn mới nhất quyết định “tu bổ” kỹ năng tiếng Anh cho người dân.
Theo dự thảo thúc đẩy ngôn ngữ nước ngoài của chính quyền, thành phố này dự định phổ cập các khoá học tiếng Anh tới các nhà trẻ trong 5 năm tới.
Tất cả nhân viên các tổ chức chính quyền dưới 40 tuổi sẽ phải biết ít nhất 1.000 câu tiếng Anh cho công việc hàng ngày.
Kế hoạch đưa công dân Bắc Kinh thành "công dân toàn cầu" sẽ tập trung vào 15 lĩnh vực công nghiệp dịch vụ và cơ quan chính phủ như công an, giao thông, chăm sóc y tế…
Dự thảo định rằng, văn hoá truyền thống Trung Quốc sẽ vẫn là trọng tâm giáo dục. Tuy nhiên, thông tin liên lạc toàn cầu là nội dung cũng cần được tương tác trong các chương trình dạy tiếng nước ngoài.
Dự định nâng cấp ngoại ngữ này đưa ra sau khi Thượng Hải công bố chương trình đào tạo tiếng Anh 8 năm cho các quan chức chính phủ ở cấp phó cục trở lên từ tháng 6.
Cũng vào cuối tháng 6, Tây An - thủ phủ Thiểm Tây đã đưa ra một kế hoạch với mục tiêu trở thành "thành phố thế giới" trong 10 năm. Yêu cầu về khả năng tiếng Anh"nhẹ" hơn một chút: một nửa dân số nắm được 900 câu Anh ngữ trở lên.
"Với những ai cần dùng tiếng Anh hay ngoại ngữ khác để làm việc, quy định 1.000 câu là không đủ, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có người không hỏi bạn những câu nằm trong số 1.000 ấy”, Tô Thanh, một trợ giảng tại Trường ĐH Quốc tế Nhân dân Trung Quốc, nhận xét.
Theo Nguyễn Thảo - Phạm Duyên (VNN)