Trước đây Bắc Kinh đã triển khai tên lửa HQ-9 (tầm bắn 200 km) trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động triển khai tên lửa đất đối không trên đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Su Bi ở phía nam Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc (TQ) có dụng ý mở rộng năng lực quân sự dọc “đường chín đoạn”.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ đã nhận định như trên hôm 23-2 khi công bố ảnh chụp vệ tinh cho thấy các cấu trúc bố phòng tên lửa đang được xây dựng trên ba thực thể trên.
Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa
AMTI ghi nhận TQ đã xây dựng tám cấu trúc trên mỗi thực thể đá. Bản tin Reuters hôm 21-2 cũng ghi nhận TQ đã gần hoàn tất các cấu trúc bố phòng tên lửa trên ba thực thể kể trên.
Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ cho biết TQ đã xây dựng hơn 20 hầm phóng tên lửa phòng không dẫn hướng tầm xa. Đây là các cấu trúc bằng bê tông rất dễ nhìn thấy, có mái di động dài 20 m và cao 10 m.
Nguồn tin nhận định TQ xây dựng các hầm phóng tên lửa nhằm thử phản ứng chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, AMTI ghi nhận các cấu trúc bố phòng tên lửa được xây dựng giữa cuối tháng 9 và đầu tháng 11-2016. Căn cứ thời điểm này cho thấy TQ thực hiện ý đồ quân sự hóa các đảo nhân tạo chứ không phải phản ứng với chính quyền mới của Tổng thống Trump.
Chuyên gia Chas Freeman, nguyên trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ghi nhận TQ xây dựng các cấu trúc trước bầu cử Mỹ, do đó đây là hành động củng cố yêu sách chủ quyền chứ không nhằm thách thức chính quyền của ông Trump.
Báo Japan Times dẫn lời chuyên gia Zack Cooper ở CSIS ghi nhận: “Đây là bước kế tiếp trong kế hoạch dài hơi của TQ về xây dựng năng lực quân sự trên quần đảo Trường Sa để Bắc Kinh có thể kiểm soát biển Đông nhiều hơn trong thời bình và thời chiến”.
Tàu sân bay USS Carl Vinson trên Thái Bình Dương đầu tháng 2-2017. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Trung Quốc sẽ triển khai quân sự trên các đảo
Chuyên gia Bonnie Glaser ở CSIS nhận xét: “Theo quan điểm của tôi, TQ đã có kế hoạch triển khai quân sự trên mọi đảo nhân tạo mà TQ đang dần dần bồi đắp. Đây chắc chắn là hành động quân sự hóa. Ông Tập Cận Bình chưa bao giờ giải thích rõ điều ông ấy muốn nói khi nói rằng TQ không có ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Rõ ràng TQ đánh giá công tác triển khai này là điều cần thiết để bảo vệ các đảo”.
Báo cáo của AMTI nhận xét các cấu trúc bố phòng trên đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Su Bi sẽ đáp ứng nhiều lợi ích.
Báo cáo nêu: “Khác với tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm chỉ được che chắn bằng lưới ngụy trang, các dàn tên lửa triển khai trên quần đảo Trường Sa được bảo vệ cẩn thận để đối phó nhiều yếu tố, đặc biệt là nước biển ăn mòn. Cấu trúc có mái che cũng nhằm che giấu dàn phóng, cản trở thám sát trên không và không để cho kẻ thù biết có bao nhiêu dàn phóng vào một thời điểm cố định”.
Báo cáo lưu ý trong trường hợp có xung đột thực sự, các cấu trúc bố phòng này có thể đối phó với các cuộc tấn công gián tiếp hay vũ khí hạng nhẹ.
Trung Quốc chuẩn bị ADIZ?
Trước hành động tăng cường quân sự hóa của TQ ở biển Đông, chính quyền của Tổng thống Trump có thể làm gì? Trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ National Review ngày 23-2, chuyên gia Arthur Herman ở Viện Nghiên cứu Hudson đã đề nghị ba giải pháp:
1. TQ bố trí các cấu trúc bố phòng tên lửa là hành động chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Mỹ cần công khai tuyên bố không thừa nhận ADIZ của TQ trên biển Đông và Mỹ cũng như các nước có quyền tự do hàng không trên biển Đông như lâu nay vẫn làm.
2. Cần triệu tập một hội nghị quốc tế bao gồm các nước ven biển Đông và năm nước, vùng lãnh thổ tranh chấp trong khu vực (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan) cùng với Úc và Nhật để thảo luận tình hình giải quyết khủng hoảng và yêu cầu phối hợp đa phương.
3. Đã đến lúc sử dụng đòn bẩy Đài Loan để đối phó với chiến lược của TQ ở biển Đông. Ông Trump cần làm rõ Mỹ sẽ bảo đảm các cam kết của Mỹ đối với Đài Loan. Tàu sân bay USS Carl Vinson đang hoạt động ở biển Đông có thể ghé thăm Đài Bắc hoặc Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, có thể viếng thăm chính thức Đài Loan.
Tại cuộc họp báo tháng hôm 24-2, khi được hỏi về các cấu trúc xây dựng trên biển Đông, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Nhậm Quốc Cường khăng khăng cho rằng TQ có chủ quyền trên các đảo đã nêu nên có quyền triển khai hệ thống phòng thủ. Trước đó, Bộ Ngoại giao TQ cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu TQ cũng như các bên tranh chấp kiềm chế xây dựng các kiến trúc mới, ngừng quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp và ngừng tiếp tục tôn tạo ở biển Đông, đồng thời giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế”. Tuyên bố nhấn mạnh quân sự hóa các tiền đồn sẽ làm gia tăng căng thẳng. Cuối tuần trước, Mỹ đã đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến biển Đông thực hiện công tác tuần tra thường xuyên. Đây là chuyến công tác đầu tiên dưới thời chính quyền của ông Trump. Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố “một số nước ngoài khu vực đã tăng cường triển khai quân sự ở biển Đông”. Thời Báo Hoàn Cầu cũng lên giọng tố tàu sân bay Mỹ tuần tra là hành động quân sự hóa lớn nhất ở biển Đông và hành động này có thể kích động TQ triển khai vũ khí thêm trên các đảo. |