Trung Quốc (TQ) đang duy trì chính sách thưởng khủng cho các công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
“Nhuận bút” 2 triệu USD
Tạp chí khoa học Cell (Mỹ) ngày 30-6 vừa qua đã cho đăng tải công trình nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên (TQ). Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi GS Chen Xuewei đã phát hiện một biến thể gien giúp cây lúa kháng được một dạng nấm bệnh làm TQ hao hụt gần ba triệu tấn lúa/năm.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên đã quyết định thưởng nóng cho nhóm nghiên cứu khoản tiền thưởng lên đến 13 triệu nhân dân tệ (gần 2 triệu USD). Theo thông báo của trường này, phần lớn số tiền này sẽ được rót vào phòng thí nghiệm của GS Chen dưới dạng quỹ nghiên cứu thời hạn năm năm. Các thành viên nhóm cũng nhận được khoản tiền mặt lên đến 500.000 nhân dân tệ (hơn 73.000 USD).
Ông Chen không phải là nhà khoa học TQ duy nhất từng được thưởng hậu hĩnh nhờ có bài viết đăng tải trên một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Vào năm 2006, ĐH Nông nghiệp TQ cũng trao tặng cho hai nhà khoa học mỗi người 1 triệu nhân dân tệ (hơn 147.000 USD) vì có bài viết được đăng trên tạp chí Cell và Nature (Mỹ). Tuy nhiên, số tiền thưởng của ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên gửi ông Chen vẫn là khoản tiền thưởng lớn nhất từ trước tới nay mà một nhóm nghiên cứu TQ nhận được nhờ đăng tải thành công bài viết trên một tạp chí danh tiếng.
Nhiều cơ sở học thuật khác tại TQ cũng đang áp dụng phương pháp thưởng “nhuận bút” cao ngất trời nhằm đẩy mạnh sự hiện diện của nước này trên các tạp chí học thuật danh tiếng hàng đầu thế giới, theo SCMP. Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc năm 2016 cho biết chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của TQ đang có mức tăng “đáng kinh ngạc” là 18,3%. Chỉ số này ở nhóm các nước thu nhập trung bình cao chỉ vào khoảng 1,4%.
Trung Quốc mỗi năm có gần 300.000 bài viết khoa học được xuất bản ở nước ngoài, tuy nhiên chất lượng và độ uy tín các bài viết vẫn nằm dưới mức trung bình. Ảnh: REUTERS
Trọng hình thức, quên chất lượng
Giới khoa học TQ công bố hơn một triệu bài viết khoa học/năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Hiệp hội Khoa học và Công nghệ TQ cho biết. Có 1/3 các bài viết được xuất bản ở nước ngoài nhưng đa phần có chất lượng thấp và lượng trích dẫn gần như bằng không. Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, lượng trích dẫn của các bài viết TQ nằm dưới mức trung bình toàn cầu.
Việc chi tiền thưởng khủng cho các bài viết khoa học cũng gây không ít tranh cãi trong giới học thuật TQ. Ông Rao Yi, nhà thần kinh học ĐH Bắc Kinh, chỉ trích: “Việc tôn thờ một số tạp chí khoa học và lơ đi nội dung của các bài viết sớm muộn sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng”.
Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng những áp lực đòi hỏi có bài đăng tải tầm vóc có thể biến giới khoa học TQ thành “các máy in bài viết khoa học”, theo SCMP. Có động cơ tiền bạc, một số người có thể không màng đến uy tín và có các hành động vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như làm giả các dữ liệu.
Vào tháng 4-2017, nhà xuất bản khoa học hàng đầu thế giới Springer Nature đã quyết định rút lại 107 bài viết nghiên cứu khoa học của các tác giả TQ. Tạp chí này phát hiện những bài viết trên có dấu hiệu gian lận về quy trình phản biện khoa học. Các bài viết này được đăng tải trong giai đoạn 2012-2016. Các tác giả cung cấp cho ban biên tập tạp chí Springer Nature những thông tin liên hệ giả của bên phản biện thứ ba. Nhiều bài viết được “xem và phản biện” bởi chính các tác giả. Đây là lần thu hồi bài viết khoa học đồng loạt lớn nhất lịch sử, theo tổ chức giám sát gian lận khoa học toàn cầu Retraction Watch. ______________________________ 2% GDP hằng năm của TQ được nước này đầu tư vào khu vực nghiên cứu và phát triển. Phần lớn chi tiêu nhằm tăng thu nhập giới nghiên cứu. |