Theo tiết lộ của hãng tin Bloomberg, tài liệu mới đây của Bộ Khoa học Trung Quốc (TQ) cho thấy nước này đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm ngầm dưới lòng biển Đông. Đây là bước đi mới nhất trong các hoạt động xây lắp và thiết lập cơ sở hạ tầng trái phép của TQ trên biển Đông, mở rộng hoạt động củng cố chủ quyền bất hợp pháp của nước này trên cả ba chiều không gian của biển Đông: mặt biển, vùng trời và đáy biển.
Căn cứ ngầm trong lòng biển Đông
Bloomberg ngày 8-6 dẫn một văn bản gần đây của Bộ Khoa học TQ, trong đó tiết lộ kế hoạch xây dựng một “trạm vũ trụ” dưới nước ngay tại biển Đông. Dự án này được đề cập trong kế hoạch kinh tế năm năm mà Bắc Kinh thông qua hồi tháng 3-2016 và được xếp vị trí thứ hai trong danh sách 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên. Theo văn bản mà Bloomberg ghi nhận được, công trình này dự kiến sẽ được đặt ở độ sâu 3.000 m dưới lòng biển và giới chức TQ đã quyết định đẩy nhanh quá trình triển khai dự án này.
Cho đến nay các thông tin chi tiết liên quan đến dự án này bao gồm thời gian triển khai cụ thể, bản thiết kế chi tiết, chi phí ước tính hay khu vực cụ thể đặt công trình này vẫn chưa được công bố. Theo ông Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược trụ sở tại Washington (Mỹ), việc xây dựng một trạm không gian ở độ sâu như vậy dài hạn là chưa từng có tiền lệ nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Mặc dù vậy, ông Clark cho rằng thách thức lớn nhất là làm sao để vận hành hệ thống như thế liên tục trong nhiều tháng. Ông Clark cũng nói rằng chi phí xây dựng công trình này sẽ cực kỳ lớn.
Bộ Khoa học TQ công khai thông báo rằng Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu TQ là đơn vị tiên phong trong quá trình hoạch định dự án khổng lồ dưới lòng biển này. Sau khi hoàn thành công trình và đi vào hoạt động, “trạm vũ trụ” này sẽ trở thành văn phòng làm việc của hàng chục người trong vòng một tháng. Thông tin về dự án này mặc dù mới được báo chí đăng tải nhưng phía TQ khẳng định kế hoạch đã được vạch ra trong cả thập niên qua với mục tiêu đưa TQ trở thành cường quốc toàn cầu về công nghệ tới năm 2030. Với tham vọng đó, Bắc Kinh cho rằng việc hoàn thành một trạm không gian phiên bản đại dương như vậy sẽ giúp nước này rút ngắn khoảng cách so với các nước như Mỹ, Pháp và Nga về công nghệ dưới biển.
Mục đích chính mà phía TQ đưa ra khi có kế hoạch xây dựng trạm không gian dưới lòng biển này là nhằm tìm kiếm và khai thác khoáng sản ở biển Đông. Tham vọng kiểm soát những công nghệ làm chìa khóa để khám phá những “kho báu” dưới biển sâu đã được đích thân Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhắc đến hồi tháng 5-2016. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn rất hoài nghi về mục đích thực sự của Bắc Kinh đối với công trình dưới biển này. Một số chuyên gia cho rằng biển Đông là khu vực có dầu mỏ và khí đốt, còn các khoáng sản khác rất sơ sài, bởi vậy không thể xem nhẹ khả năng đây lại là một chiêu quân sự hóa mới của TQ trên biển Đông.
Trung Quốc mong muốn biến biển Đông trở thành một “pháo đài tàu ngầm” của mình. Ảnh: GETTY
Xâm lấn ba chiều không gian
Với tiết lộ mới nhất này, có thể nhìn thấy tham vọng của TQ nhằm kiểm soát toàn diện cả ba chiều không gian khu vực biển Đông: mặt biển, vùng trời và đáy biển. TQ hiện đã tiến hành cải tạo hàng loạt thực thể trên biển Đông trở thành đảo nhân tạo, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển trang thiết bị quân sự ra các “tiền đồn” này. Mới đây, tờ SCMP cũng tiết lộ TQ sắp cho hai ngọn hải đăng trên đá Vành Khăn đi vào hoạt động. Việc xây dựng các ngọn hải đăng này có khả năng sẽ tăng sức ảnh hưởng lên sự di chuyển của tàu bè trong khu vực và củng cố thêm cho các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Bắc Kinh áp đặt trên toàn bộ biển Đông.
Đầu năm 2016, các ảnh chụp vệ tinh được công bố bởi hãng Fox News cho thấy TQ có thể đã triển khai hệ thống tên lửa Hồng Ky 9 (HQ-9) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Động thái này gây nên nhiều lo ngại trong khu vực về cam kết “không quân sự hóa biển Đông” của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao có quan hệ tốt với giới chiến lược gia quân sự TQ cho biết việc bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa cũng sẽ sớm được thực hiện, theo Reuters. Ông Ian Storey, chuyên gia biển Đông tại Viện ISEAS (Singapore), cho rằng các vũ khí tương tự HQ-9 có thể sẽ được triển khai ra Trường Sa trong vòng 1-2 năm nữa. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về an ninh tại Viện CSIS (Mỹ), cho rằng TQ đã có sẵn kế hoạch quân sự hóa từ lâu và chỉ mượn các phản ứng can thiệp từ Mỹ làm cái cớ để biện hộ. Sớm hay muộn TQ có ý định biến Hoàng Sa và Trường Sa thành cơ sở hỗ trợ cho các chiến đấu cơ nước này hoạt động và tuần tra thường xuyên trên biển Đông, bao gồm cả các hoạt động chống tàu ngầm, theo Reuters.
Văn bản của Bộ Khoa học TQ thừa nhận “trạm không gian” nói trên sẽ không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho các mục đích dân sự. Ông Xu Liping, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội TQ cũng khẳng định không loại trừ khả năng công trình đó sẽ thực hiện một số chức năng quân sự. Trên thực tế, TQ cũng đang tính chuyện xây dựng một hệ thống “vạn lý trường thành dưới biển”. Các nhà phân tích thuộc chuyên san quân sự IHS Jane của Anh nhận định “Vạn lý trường thành dưới biển” sẽ là một mạng lưới các cảm biến được lắp đặt khắp biển Đông, góp phần làm xói mòn lợi thế tác chiến dưới biển của tàu ngầm Mỹ và Nga, giúp Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ biển Đông. Bên cạnh đó, Tập đoàn Đóng tàu nhà nước TQ cũng đang đề xuất một phiên bản cải tiến của TQ về hệ thống giám sát âm thanh, vốn một thời đã mang lại lợi thế đáng kể cho Mỹ trong việc chống lại tàu ngầm Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, IHS Jane cho biết. Tờ The Guardian cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị triển khai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo tới biển Đông. TQ luôn cho rằng họ làm vậy chủ yếu nhằm đối phó với các động thái quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Nhưng theo phân tích của Kyle Mizokami trên tạp chí The Week (Anh), TQ đã lên kế hoạch cho điều này hàng thập niên qua. Việc xây dựng một “pháo đài tàu ngầm” là một trong những yêu cầu tối quan trọng để trở thành một cường quốc đại dương. Ngoài việc thiết lập vùng neo đậu tàu ngầm, thông qua hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, việc kiểm soát không gian đáy biển, phát hiện và cản trở hoạt động của tàu ngầm các đối thủ cũng là yếu tố quan trọng tạo nên “thiên đường” an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân TQ.
Đối với vùng trời biển Đông, khả năng TQ thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) vẫn đang khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại. Có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ khó có thể đơn phương thiết lập ADIZ do mất nhiều hơn được. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cảnh báo sẽ xem việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ là “hành động gây hấn và gây mất ổn định” khu vực. Tờ National Interest ngày 8-6 bình luận nếu được thiết lập, ADIZ này sẽ buộc tất cả máy bay quân sự đi vào vùng trời biển Đông phải cung cấp kế hoạch bay cho TQ dù cho máy bay này có hướng đến nước này hay không. Điều này tương tự với cách TQ mong muốn giám sát các tàu bè quân sự trên biển Đông, cho phép đi lại tự do nhưng phải thông báo lộ trình và không được thu thập thông tin tình báo, theo National Interest.
Hiện TQ đã xây dựng một đường băng dài gần 3.000 m trên bãi Chữ Thập, đủ khả năng hỗ trợ máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự. TQ cũng đang cho xây dựng đường băng trên hai đảo nhân tạo Đá Xubi và Vành Khăn. Theo hãng Reuters, phía Philippines cũng ghi nhận có các dấu hiệu bồi đắp đảo nhân tạo và khả năng xây dựng đường băng trên bãi cạn Scarborough. Với những cơ sở hạ tầng này, Bắc Kinh có thể nâng cao năng lực thực thi vùng ADIZ một khi được thiết lập thật sự. Trong bản báo cáo của TNS Mỹ Dan Sullivan, những đường băng tại đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm, Trường Sa và bãi Scarborough sẽ tạo ra một vùng tam giác cho phép máy bay TQ kiểm soát toàn bộ biển Đông. Tờ National Interest nhận định kể cả khi TQ không thiết lập ADIZ trong năm nay như đã bắn tin, tham vọng kiểm soát vùng trời của TQ vẫn sẽ được thúc đẩy thực hiện trong tương lai.