Theo Popular Science, trước năm 2020 nhân loại sẽ bước chân đến một vùng đất mới ngoài Trái đất mà suốt bao năm qua chúng ta vẫn chưa làm được: Mặt tối của mặt trăng.
Tham vọng mặt trăng
Kể từ khi con người bắt đầu hành trình khám phá vũ trụ, vùng đất xa nhất của mặt trăng tính từ bề mặt Trái đất vẫn mãi luôn là một bí ẩn chưa có lời giải. Chỉ có một bề mặt của mặt trăng hướng về phía Trái đất vì vệ tinh này không bao giờ tự xoay quanh chính trục của nó. Đây chính là vùng tối đối với nhận thức của nhân loại vì chưa từng có một thiết bị nhân tạo nào đáp lên bề mặt vùng đất này. Đất nước dẫn đầu sứ mệnh khám phá vùng đất bí ẩn này cho nhân loại bất ngờ thay không phải là Mỹ - cường quốc không gian mà chính là Trung Quốc.
Để khám phá bí ẩn này, Trung Quốc sẽ phát triển tên lửa du hành vũ trụ nặng hàng trăm tấn cùng các tính toán đường bay và công nghệ phóng tên lửa đột phá để đưa các thiết bị kỹ thuật đến được bề mặt xa nhất của mặt trăng; hoàn thiện công nghệ robot tự hạ cánh xuống bề mặt của mặt trăng và một xe tự hành với đầy đủ cảm biến, camera và máy đo hồng ngoại để phân tích các bí ẩn trong vùng đất hàng tỉ năm tuổi. Sứ mệnh không gian này cũng gồm cả việc thăm dò nguồn helium-3, vật chất có triển vọng phục vụ cho công nghệ nhiệt hạch, trên mặt trăng.
Mới đây, Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa trong công nghệ tên lửa để nhắm đến mục tiêu hoàn thành Chang’e 4 trước năm 2020. Tên lửa Long March 7, được phóng vào tháng 6-2016, được thiết kế để tạo lực đẩy lên đến 7.080 kilonewton. Sau nhiều năm đầu tư và lên chiến lược, Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc không gian, thậm chí có thể thách thức cả vị trí dẫn đầu của Mỹ, trang Popular Science bình luận. Sứ mệnh thăm dò mặt trăng Chang’e 4 chỉ là một ví dụ nhỏ cho tham vọng chiếm lĩnh không gian của Trung Quốc, phát triển các công nghệ không gian cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.
“Trung Quốc xem năng lực không gian là biểu trưng cho vị thế lãnh đạo toàn cầu” - John Logsdon, nhà sáng lập Viện Chính sách Không gian của ĐH George Washington (Mỹ), cho biết. “Những thành tựu này tạo chỗ đứng cho Trung Quốc trong lĩnh vực gắn liền với khái niệm cường quốc”. Cũng chính vì thế, các sứ mệnh phóng tên lửa, vệ tinh và các taikonaut (tạm dịch: thái không nhân - cách Trung Quốc gọi các nhà du hành vũ trụ của nước này) đều được xem là niềm tự hào dân tộc to lớn của đất nước.
Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào các chương trình không gian với tham vọng thách thức NASA. Ảnh: Popular Science
Chạy đua phá thế song mã
Ngân sách đầu tư công nghệ vũ trụ của Trung Quốc vẫn khá tí hon so với con số 19,3 tỉ USD trong riêng năm 2016 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia của Mỹ (NASA). Thế nhưng hiệu quả sử dụng ngân sách của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia của Trung Quốc (CNSA) là rất lớn. Trong năm qua, CNSA đã tiến hành thành công 19 sứ mệnh phóng tên lửa vào vũ trụ, chỉ xếp sau Nga với 26 sứ mệnh và vượt mặt Mỹ với 18 sứ mệnh. Cơ quan của Trung Quốc đang cố gắng mở hết tốc lực để đuổi kịp hoặc thậm chí là vượt mặt các sứ mệnh mà NASA đã thực hiện thành công trong vùng không gian xung quanh Trái đất như phóng vệ tinh viễn thông lượng tử và đưa người lên mặt trăng vào đầu thập niên 2030.
Nếu đưa thiết bị tự hành và con người lên mặt trăng thành công, Bắc Kinh sẽ phá thế “độc quyền” của Nga và Mỹ trong lĩnh vực hàng không-vũ trụ hiện nay. CNSA còn đang theo đuổi các dự án phát triển tên lửa vũ trụ có trọng tải siêu lớn, xây dựng các trạm không gian có người điều khiển, thiết lập một mạng lưới thu thập hình ảnh và định vị vệ tinh rộng lớn hàng đầu thế giới.
Các nỗ lực này của đối thủ bờ bên kia Thái Bình Dương đang làm cho Washington lo ngại. Tờ Popular Science nhận định công nghệ đưa con người bay vào vũ trụ của nước Mỹ hiện gần như vẫn dậm chân tại chỗ. NASA vẫn đang say mê với ý tưởng khám phá sao Hỏa bằng các thiết bị không người lái. James Lewis, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Tôi không lo lắng viễn cảnh Trung Quốc bất ngờ vượt mặt nước Mỹ. Tôi chỉ sợ rằng nước Mỹ đang quá phân tâm, để rồi một ngày kia tỉnh giấc nhận ra mình có lợi thế to lớn hơn trong công nghệ hàng không-vũ trụ nhưng lại không nắm lấy”.
Không chỉ vì “Hằng Nga”
Tuy nhiên, các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc dẫu sao vẫn còn nằm trên giấy tờ. Các chương trình không gian của Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều bài toán khó chưa có lời giải. Theo tờ Daily Caller, dự án xe tự hành thăm dò mặt trăng của CNSA đang gặp nhiều trục trặc. Sứ mệnh phóng thử vệ tinh vào quỹ đạo sao Hỏa của Trung Quốc vào năm 2011 cũng đã thất bại. Tên lửa mang theo vệ tinh của Trung Quốc còn chưa bay đến quỹ đạo Trái đất thì đã phát nổ.
Thất bại không hề ít. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn chấp nhận cân nhắc lộ trình tăng đầu tư cho các chương trình không gian và phát triển công nghệ vũ trụ, hãng tin Bloomberg cho biết. Theo đó, ngân sách đầu tư cho khoa học vũ trụ của Trung Quốc trong giai đoạn 2026-2030 sẽ lên đến 15,6 tỉ nhân dân tệ, tăng gấp ba lần so với ngân sách 2011-2015 là 4,7 tỉ nhân dân tệ. Theo ông Wu Ji, Giám đốc Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia (Trung Quốc), các dự án kính viễn vọng và định vị vệ tinh sẽ tạo ra một sức sống mới cho các tập đoàn quốc doanh của nước này, đồng thời kích thích khu vực kinh tế tư nhân và tạo môi trường cho các công ty khởi nghiệp.
Để làm được điều đó, Bắc Kinh cần kích thích phát triển các công nghệ mới do chính mình tạo nên. Cha đẻ của ngành nghiên cứu tên lửa đạn đạo và các chương trình không gian của Trung Quốc là Qian Xuesen, lại là một sản phẩm đào tạo của nước Mỹ. Ông từng là một sinh viên của Viện Công nghệ Massachusetts và là một trong các nhà khoa học tham gia vào Dự án Manhattan phát triển bom hạt nhân cho quân đội Mỹ. Chỉ đến năm 1955, khi chính phủ Mỹ đẩy mạnh chính sách giám sát và điều tra những người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản, ông Xuesen mới quyết định về nước và được chào đón như anh hùng.
“Trung Quốc trước nay luôn dựa vào các tri thức được khám phá và phát minh bởi người khác. Nếu Trung Quốc muốn hồi sinh nền kinh tế, đất nước cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển các công nghệ mang tính đột phá” - ông Wu Ji nhận định.