Trung Quốc chưa đồng ý nối lại đường bay với Việt Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nối lại các đường bay thương mại giữa Việt Nam với các nước.

Cần được sự đồng ý của các nước

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng hiện các sân bay Việt Nam đã đi vào hoạt động bình thường. Trong đó, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang thực hiện vận chuyển một số chuyến bay quốc tế thường lệ và không thường lệ (vận chuyển hàng hóa và khách từ Việt Nam đi).

Bộ GTVT lên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế vào tháng 8. Ảnh: N.HÀ

Các sân bay như Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và Cần Thơ cũng sẵn sàng tiếp nhật các chuyến bay quốc tế không thường lệ chở công dân và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể, từ tháng 6-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific (Hồng Kông), Singapore Airlines (Singapore)... đã khai thác lại các đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam theo hình thức thường lệ. Vietnam Airlines cũng đang duy trì lịch bay thường lệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Từ tháng 7-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Emirates Airlines (UAE), Qatar Airways (Qatar), China Airlines và Eva Airways (Đài Loan), Asiana Airlines và Korean Air (Hàn Quốc)... cũng khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ đi và đến Việt Nam.

Bộ GTVT khẳng định toàn bộ các lịch bay thường lệ nêu trên đều đảm bảo chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách/hàng từ Việt Nam đi quốc tế. Trong đó, chuyến bay có chở khách vào Việt Nam được thực hiện theo kế hoạch của ngoại giao (đối tượng là công dân hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao…) và đều thực hiện cách ly theo quy định.

Riêng đối với thị trường hàng không Trung Quốc, hiện Việt Nam đã tạm dừng tất cả các chuyến bay, khác với các quốc gia còn lại là vẫn duy trì chở khách từ Việt Nam đi nước ngoài

Tuy nhiên, để nối lại đường bay số lượng phi công, tiếp viên sẽ không đủ để khai thác đường bay quốc tế và nội địa. Bởi theo quy định hiện hành, tổ bay sau khi phục vụ chuyến bay quốc tế phải đảm bảo cách ly tối thiểu 14 ngày mới được phép phục vụ chuyến bay nội địa.

Cạnh đó, từ ngày 29-6, Bộ GTVT đã đóng một trong hai đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài để sửa chữa nên năng lực khai thác tại mỗi cảng chỉ còn từ 60-70%.

Như vậy, nếu tăng đột biến các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này sẽ tạo sự quá tải tại hai sân bay nói trên, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ như chậm, hủy chuyến của các chuyến bay nội địa.

Một khó khăn nữa được Bộ GTVT nhắc đến là việc hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, việc thiết lập lại đường bay quốc tế phải trên nguyên tắc “có đi có lại”. Chẳng hạn, Việt Nam thiết lập các chuyến bay đến Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viên Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia) cần được sự cấp phép và phối hợp của nhà chức trách hàng không của các nước đối tác.

Do đó, hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay. Theo đánh giá, phần lớn các nước sẽ có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam.

Riêng đối với Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Gần đây nhất, Bộ GTVT có buổi làm việc với Đại Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Quảng Châu (Trung Quốc). Đồng thời, bộ cũng gửi thư đến Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này.

“Tuy nhiên, để mở được đường bay tới Quảng Châu (Trung Quốc), Bộ GTVT thấy rằng cần tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh ngoại giao…” - Bộ GTVT cho hay.

Đề xuất mở lại đường bay với năm nước

Với phân tích ở trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Viên Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia).

Các đường bay này sẽ được thực hiện với tần suất 1 chuyến/tuần đối với mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Với kế hoạch này, bộ dự kiến mỗi tuần Việt Nam sẽ đón 1.500 – 3.000 hành khách (không kể chuyến bay giải cứu công dân, chuyển gia vào Việt Nam).

Bộ GTVT sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam với các nước. Dự kiến đầu tháng 8 có thể nối lại các đường bay thường lệ này.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao hỗ trợ làm việc với cơ quan chức năng của các nước, để tạo thuận lợi cấp phép cho các chuyến bay và đảm bảo đúng đối tượng vận chuyển.

Đối với Bộ Y tế, cần khẩn trương ban hành bộ hướng dẫn kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, áp dụng bộ này phục vụ quá trình đàm phán với các đối tác về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với chuyến bay.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao các tỉnh như Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội và TP.HCM triển khai quy trình tiếp nhận hành khách người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh qua đường hàng không…

 Các nước mở lại đường bay như thế nào ?

Bộ GTVT cho rằng hiện nay các nước trên thế giới đang kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng đường hàng không theo nguyên tắc cho phép nhập cảnh đối với công dân mình. Người nước ngoài có thẻ cư trú, thuộc đối tượng đặc biệt như chuyên gia, sinh viên được nhập cảnh khi được nhà chức trách phê duyệt.

Tuy nhiên, người nhập cảnh phải cách ly 14 ngày tại gia đình (đăng ký với chính quyền) hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền áp dụng chặt chẽ bằng biện pháp công nghệ để kiểm soát người cách ly.

Việc mở lại đường bay thương mại phải được thực hiện từng bước, hạn chế nhất định về đối tác kết nối, tần suất khai thác. Vì hiện nay một số quốc gia tái đóng cửa sau giai đoạn mở cửa và bị lây nhiễm mạnh trở lại trong cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới