Trung Quốc công bố 'kế hoạch khủng' để vực dậy kinh tế

(PLO)- Gói chính sách với 33 đề mục tập trung vào việc giảm thuế, phí nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trong vòng kiềm tỏa của đại dịch COVID-19.

Tờ South China Morning Post ngày 26-5 đưa tin chính phủ Trung Quốc (TQ) trong phiên họp tuần này đã công bố gói chính sách gồm 33 đề mục nhằm ổn định nền kinh tế vốn đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của COVID-19 và chiến lược “zero COVID” (quét sạch F0 trong cộng đồng) quyết liệt. Động thái này cũng được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay.

Ảnh chụp cảng Khâm Châu thuộc TP Khâm Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của

Trung Quốc hồi tháng 3. Ảnh: VCG

Gói chính sách mới gồm những gì?

South China Morning Post cho biết gói chính sách kích thích kinh tế mới sẽ bao gồm các cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho nhiều ngành thông qua hoàn thuế, cắt giảm thuế và giảm phí tổn. Những biện pháp này sẽ đưa tổng số tiền hoàn thuế và giảm thuế theo kế hoạch của chính phủ TQ lên khoảng 396 tỉ USD trong năm 2022. Hạn ngạch cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng sẽ tăng gấp đôi đối với các ngân hàng. Trong khi đó, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng bằng cách cho phép người vay được hoãn trả nợ gốc và lãi đến cuối năm nay.

Một số biện pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt là thông qua việc nới lỏng mua xe và nhà. Theo đó, nhà chức trách sẽ giảm ít nhất 9 tỉ USD thuế mua một số xe chở khách, trong khi các chính sách cụ thể hơn của từng thành phố sẽ được áp dụng để thúc đẩy nhu cầu nhà ở.

Chính phủ TQ cũng tuyên bố hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đường sắt và hàng không, bao gồm phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt trị giá 45 tỉ USD; 29 tỉ USD trái phiếu cho ngành hàng không nói chung và 22,4 tỉ USD cho các khoản vay khẩn cấp dành cho ngành hàng không dân dụng, đồng thời khởi động một đợt xây dựng và cải tạo đường nông thôn mới.

Giới chuyên gia đánh giá ra sao?

Theo các chuyên gia của Ngân hàng đầu tư Nomura (Nhật), các biện pháp như vậy sẽ giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế hoặc thậm chí là suy thoái kinh tế TQ, dù họ vẫn thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong năm của nước này.

Nomura còn ước tính tăng trưởng GDP trong quý II năm nay của TQ sẽ chậm lại đáng kể xuống 1,8%, mức giảm mạnh so với 4,8% trong quý đầu tiên và dự đoán tăng trưởng kinh tế cả năm của TQ sẽ có thể chỉ đạt 3,9% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%.

Các nhà kinh tế học của Nomura cho biết chi tiêu tài khóa như vậy sẽ kém hiệu quả hơn trong bối cảnh các đợt đóng cửa và hạn chế di chuyển trên khắp đất nước vẫn tiếp diễn. Các chuyên gia cũng dự báo ​​sẽ có thêm ít chi tiêu tài khóa từ các biện pháp mới này, do doanh thu tài khóa và bán đất có thể sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia Iris Pang tại Ngân hàng đầu tư ING (Hà Lan) lại cho rằng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp kích thích tài khóa trong thời gian tới. “Vì Thượng Hải vẫn chưa hoàn toàn hủy bỏ các biện pháp đóng cửa và Bắc Kinh thắt chặt các biện pháp giãn cách ở một số quận, chúng tôi kỳ vọng rằng có thể có nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn vì chính phủ TQ dường như muốn tránh nới lỏng tiền tệ” - bà Pang cho hay.

South China Morning Post cho biết: Ngày 23-5, các quan chức thuộc Ngân hàng Nhân dân TQ và Ủy ban Điều tiết bảo hiểm và ngân hàng TQ, hai trong các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của TQ, đã nhóm họp để thảo luận tình hình tiền tệ và tín dụng của quốc gia. Họ nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính cần “sử dụng đầy đủ các công cụ chính sách khác nhau” để “hỗ trợ phát triển kinh tế chất lượng cao với tăng trưởng tín dụng vừa phải”.

“Chúng ta phải cân bằng mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng vừa phải và phòng ngừa rủi ro tài chính, cải thiện tính bền vững của hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực” - tuyên bố sau cuộc họp cho hay.•

Giới đầu tư chưa hoàn toàn tin tưởng gói chính sách mới của Bắc Kinh

Theo hãng tin Bloomberg, thị trường chứng khoán TQ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 25-5 khi những biện pháp hỗ trợ thị trường của quốc gia này vẫn chưa đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư, vốn đang lo lắng về chiến lược “zero COVID” và tình hình dịch bệnh. Cụ thể, chỉ số CSI 300 của sàn Thượng Hải giảm 2,34%, mạnh nhất kể từ ngày 6-5. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong cũng giảm gần 1,8% sau khi chính quyền đặc khu này cho biết sẽ duy trì quy định cách ly tại khách sạn đối với người nhập cảnh ít nhất tới cuối tháng 6.

Bloomberg cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư vẫn hoài nghi liệu gói chính sách kích thích kinh tế mới có thực sự giúp nền kinh tế số 2 thế giới vực dậy đà tăng trưởng, trong bối cảnh các quy định phòng dịch vẫn đang gây ra nhiều gián đoạn đối với hoạt động kinh tế tại nước này.

“Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và sự sụt giảm niềm tin của người dân là những vấn đề Bắc Kinh khó có thể kiểm soát, do đó giảm thuế và nới lỏng các chính sách tiền tệ là chưa đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề” - theo ông Chi Lo, chiến lược gia cấp cao thuộc Công ty quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management (Pháp).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới