Tờ The Wall Street Journal cho hay trong bối cảnh xung đột quân sự Nga - Ukraine leo thang và thương chiến Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, Trung Quốc (TQ) vẫn có rủi ro đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt giống như Nga hiện tại trong trường hợp căng thẳng gia tăng với Mỹ, phương Tây và nói chung. Điểm bùng phát có thể xoay quanh vấn đề Đài Loan hoặc nếu TQ công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Do vậy, Bắc Kinh thời gian qua đã ráo riết chuẩn bị để tăng sức đề kháng, giúp cho nền kinh tế và nền sản xuất của TQ vượt qua kịch bản bị phương Tây cô lập bất kỳ lúc nào.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9-2020. Ảnh: REUTERS |
Trung Quốc nâng cao cảnh giác khả năng bị cô lập
Nền kinh tế của TQ hiện lớn hơn Nga rất nhiều, do đó sẽ khó bị cô lập hơn. Tuy nhiên, từ những gì đang xảy ra ở châu Âu, giới chức Bắc Kinh có lẽ đã nhận ra một điều rằng họ vẫn có thể bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế và công nghệ của phương Tây.
Trong suốt nhiệm kỳ của ông Tập, các chính quyền tổng thống Mỹ đã liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt với Bắc Kinh, trong đó có những lệnh trừng phạt nhằm vào Tập đoàn công nghệ Huawei và các công ty khác bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với quân đội TQ. Mỗi vụ việc như vậy dường như càng thúc đẩy TQ tìm cách giảm tính liên kết vào kinh tế - công nghệ phương Tây.
Hồi tháng 2, một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, tờ Nhân Dân nhật báo đã cho đăng bài xã luận khẳng định “độc lập và tự cường đảm bảo cho sự nghiệp của đảng và nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Tờ Thời báo Hoàn Cầu hồi tháng 3 đăng bài viết cho rằng lợi thế của TQ là có nền sản xuất quy mô lớn nên khó bị cô lập. Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây cũng thường xuyên sử dụng thuật ngữ “tự lực cánh sinh” có từ thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông trong các bài diễn văn của mình để mô tả chiến lược phòng vệ cốt lõi của TQ.
“Phiên bản TQ độc lập, chống bị cô lập của ông Tập Cận Bình chắc chắn tập trung nhiều vào sản xuất và công nghệ trong nước hơn những gì chúng ta thấy từ các lãnh đạo trước đây” - chuyên gia thuộc Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) nhận định.
Trung Quốc đã chuẩn bị ra sao?
Khi căng thẳng Ukraine đẩy giá hàng hóa tăng cao, ông Tập đã thúc đẩy lời kêu gọi tự lực trong sản xuất. Là quốc gia có trao đổi thương mại lớn nhất thế giới, để tăng khả năng chống chịu cô lập, TQ phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế nguồn hàng nhập khẩu hoặc là tự mình tạo ra chuỗi cung ứng đáng tin cậy.
Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất hiện nay của TQ là dầu thô, với 70% nhu cầu trong nước được đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu. Nguồn cung dầu chủ yếu cho TQ là những quốc gia ở Trung Đông và châu Phi - vốn đã hưởng lợi từ hỗ trợ tài chính, chính trị của TQ và Nga. Để bảo vệ nguồn cung dầu, TQ nhiều năm qua đã đổ tiền cho các nước đang phát triển giàu tài nguyên xây dựng cảng biển, đường sắt theo khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường.
Tuy nhiên, chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ khẳng định những dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng như vậy chỉ cung cấp cho Bắc Kinh mức độ đảm bảo hạn chế trước khả năng phương Tây áp các biện pháp trừng phạt nặng nề. Trong trường hợp phương Tây quyết định trừng phạt các ngân hàng TQ như những gì đã làm với loạt ngân hàng Nga, các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải đối mặt với lựa chọn ngừng làm ăn với Bắc Kinh hay bị cắt khỏi nguồn USD mà họ rất cần để giao dịch. “Trong kịch bản nghiêm trọng như vậy, hầu hết các dự án Vành đai - Con đường sẽ ngừng hoạt động” - ông Scissors nói.
Tờ The Guardian ngày 4-5 dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ chính quyền TQ đã chỉ đạo một cuộc kiểm tra toàn diện để xem nước này sẽ xử lý các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga như thế nào.
Một nguồn tin giấu tên biết rõ vấn đề nói với tờ báo Anh rằng cuộc kiểm tra bắt đầu được thực hiện từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, đúng vào thời điểm các đồng minh phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Để tránh kịch bản bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Ngân hàng Trung ương TQ đã nỗ lực xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của riêng mình là CIPS. TQ cũng đang làm việc với ngân hàng trung ương các nước để phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ được chấp nhận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hệ thống tài chính song song của TQ chưa đủ sức phổ biến để được xem là một giải pháp khả thi trong trường hợp cần thoát lệnh trừng phạt của Mỹ.
TQ cũng đang tìm cách tăng kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên lãnh thổ, nhằm tránh kịch bản một làn sóng rút đầu tư ồ ạt dưới sức ép của Mỹ. Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia từ chuỗi đồ ăn nhanh, sản xuất xe hơi, các công ty dầu mỏ cho tới ngân hàng đều thông báo sẽ rút một phần hoặc hoàn toàn khỏi Nga. Nhưng ở thị trường TQ, mối liên kết của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia sâu sắc hơn nhiều.
Hồi năm 2019, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump từng kêu gọi các công ty Mỹ rút hoạt động kinh doanh ở TQ và chuyển nhà máy về Mỹ khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu chính sách Paulson cho thấy sức ép từ chính quyền ông Trump không tạo nhiều thay đổi lớn trên thực tế.
Dù tỉ trọng nhập khẩu thiết bị từ TQ của Mỹ đã giảm từ 42% năm 2018 xuống 32% năm 2021, nghiên cứu cho thấy đây chủ yếu là do TQ từ bỏ các hoạt động lắp ráp có giá trị gia tăng thấp. TQ cũng đã tăng cường phòng thủ pháp lý trước áp lực kinh tế từ bên ngoài. Một trong số đó là luật chống trừng phạt nước ngoài, nhằm cung cấp cơ sở pháp lý để trả đũa những cá nhân hoặc công ty gây tổn hại cho lợi ích quốc gia TQ.
Tuy nhiên, công nghệ cao như chất bán dẫn có thể là điểm yếu lớn nhất của “pháo đài kinh tế” TQ, khi nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào phương Tây. Do 1/4 hàng công nghệ xuất khẩu của TQ đang phải dựa vào nguồn linh kiện nhập khẩu, tác động đối với nền kinh tế TQ sẽ tồi tệ gấp ba lần so với những ảnh hưởng mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải gánh chịu ở chiều ngược lại khi cắt đứt với thị trường TQ, theo chuyên gia Innes McFee thuộc Công ty phân tích kinh tế Oxford Economics (Anh).•
Mỹ cũng gặp thách thức khi trừng phạt Trung Quốc
Tuy TQ ở thời điểm hiện tại được đánh giá là chưa đủ sức để chống chịu hoàn toàn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Phòng Thương mại Mỹ và Công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group hồi năm ngoái công bố báo cáo ước tính nếu Mỹ từ bỏ một nửa đầu tư vào TQ, các công ty Mỹ có thể mất 25 tỉ USD lợi nhuận hằng năm, trong đó các ngành hàng không, hóa chất và y tế bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. GDP của Mỹ cũng có thể mất khoảng 500 tỉ USD.