Chiến thuật “vừa đàm, vừa chiếm” của Trung Quốc
Theo Tiến sĩ Giôn Li (John Lee) thuộc Trường Đại học Xít-ni (Ô-xtrây-li-a), việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông là hành động gây hấn, chưa từng có tiền lệ và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Tiến sĩ Giôn Li cho rằng, Trung Quốc hiện đang sử dụng chiến thuật “vừa đàm, vừa chiếm”. Trung Quốc trì hoãn các cuộc đàm phán tại rất nhiều vùng biển tranh chấp, nhưng cùng lúc đó Bắc Kinh cố gắng mở rộng sự kiểm soát đối với các vùng biển này và việc đưa giàn khoan vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa là một minh chứng. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc đang đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Vì lẽ đó, Bắc Kinh không thể đòi chủ quyền đối với vùng biển hợp pháp đó của Việt Nam. Tiến sĩ Giôn Li nhấn mạnh, các hành vi của Trung Quốc trong vài tuần qua đã đi quá giới hạn, vì vậy rất cần sự phản ứng từ các nước lớn trong khu vực.
Trong khi đó, ngày 29-5, tại hội thảo "Những thách thức từ căng thẳng Trung Quốc và Việt Nam" diễn ra ở Pháp, Giáo sư Lô-răng Giê-đê-ông (Laurent Gédéon) ở Viện Đông Á thuộc Trường Đại học Sư phạm Li-ông cho rằng, câu chuyện chủ quyền Hoàng Sa không mới bởi Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Nhưng sự xuất hiện của giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là điểm mới, xâu chuỗi với những hành động khác của Trung Quốc cho thấy chiến lược và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đối với các quốc gia có biên giới biển với họ.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia Pháp cho rằng, một trong những điều cốt yếu là các nước ASEAN cần phải thống nhất và đoàn kết, có quan điểm chung về Biển Đông để đối phó với Trung Quốc.
Ủng hộ lập trường hòa bình của Việt Nam
Không chỉ những học giả mà ngay cả các tổ chức quốc tế cũng lên tiếng phản đối hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam. Ngày 29-5, Bí thư Đối ngoại và Di trú Đảng Cách mạng Dân chủ Mê-hi-cô (PRD) Hu-li-ô Xê-xa Ti-nô-cô Ô-rốt (Julio Cesar Tinoco Oros) đã trao cho Đại sứ quán Việt Nam bản Tuyên bố của đảng này về vấn đề Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó, Đảng Lao động Mê-hi-cô (PT) và Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Mê-hi-cô - Việt Nam cũng đã ra tuyên bố ủng hộ lập trường hòa bình của Việt Nam và đề nghị Hội nghị toàn thể Hạ viện liên bang, Thượng viện và Bộ Ngoại giao nước chủ nhà xem xét và sớm đưa ra tuyên bố về vấn đề này. PT và nhóm nghị sĩ cũng tái khẳng định tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện Mê-hi-cô - Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh hơn ai hết nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình và hoàn toàn xứng đáng được sống và xây dựng đất nước trong môi trường hòa bình.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam Gi-an-nít A-gri-gi-an-na-kít (Giannis Agrigiannakis) cũng đã gửi thư tới Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp. Nội dung bức thư có đoạn viết: “Chúng tôi ủng hộ các biện pháp hòa bình của Việt Nam, bao gồm cả các hành động mang tính pháp lý, để bảo vệ chủ quyền và bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Trước đó, tại cuộc họp định kỳ của Ủy ban ASEAN tại A-ten (Hy Lạp), các nhà ngoại giao các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về sự vi phạm luật pháp quốc tế, về các hành động đơn phương của Trung Quốc và bày tỏ thái độ ủng hộ đối với các biện pháp Việt Nam đang tiến hành.
Tính đến chiều 29-5 (giờ Oa-sinh-tơn), đã có hơn 130.000 người Việt từ khắp mọi nơi trên thế giới ký Thỉnh nguyện thư gửi Nhà Trắng đề nghị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về hành động "xâm lược lãnh thổ Việt Nam" thông qua việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thỉnh nguyện thư này bắt đầu lấy chữ ký từ ngày 12-5-2014. Theo quy định của Nhà Trắng, các Thỉnh nguyện thư thu được từ 100.000 chữ ký trở lên trong vòng một tháng sẽ được Nhà Trắng phúc đáp.
So với những thỉnh nguyện thư đang có trên trang mạng whitehouse.gov của Nhà Trắng, với hơn 130.000 chữ ký đạt được trong vòng hơn nửa tháng là một thành quả kỷ lục. Các diễn đàn mạng đang tiếp tục kêu gọi người dân khắp thế giới ký Thỉnh nguyện thư này để nâng con số 210.000 chữ ký, đẩy nó lên hàng đầu trong các Thỉnh nguyện thư đang chờ Nhà Trắng phúc đáp.
Ngày 29-5, cộng đồng người Việt tại Cu-ba và Tây Ban Nha đã tổ chức buổi mít tinh phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo Bình Nguyên/QĐND