Trung Quốc gây lo ngại cho Malaysia và Brunei

Ngày 27-3, Tân Hoa xã (Trung Quốc) thông báo hôm trước đó, bốn tàu hải quân thuộc hạm đội Nam Hải do tàu đổ bộ Tỉnh Sơn Cương dẫn đầu đã đến bãi cạn James cách bờ biển Malaysia 80 km và Brunei 200 km.

Mỹ đang theo dõi chặt diễn biến

Tân Hoa xã đã ngang nhiên gọi khu vực bãi cạn James là cực nam lãnh thổ Trung Quốc. Hiện Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Malaysia đều tuyên bố chủ quyến đối với bãi cạn James.

Sau khi đến khu vực bãi cạn James, đội tàu Trung Quốc đã thực hiện các bài tập trận sắp xếp đội hình. Cũng tại đây, các thủy thủ tập hợp trên boong tàu Tỉnh Sơn Cương tuyên thệ và đấu tranh thực hiện “giấc mơ Trung Quốc trở thành cường quốc”.

Trong ngày 27-3, đội tàu này tiếp tục đến tuần tra trái phép ở khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép).

Trong khi đó ngày 27-3 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell thông báo Mỹ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến quân sự của Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc thể hiện sự minh bạch hơn nữa cũng như sử dụng năng lực quân sự theo cách có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương.

Riêng về việc Trung Quốc tập trận gần bờ biển Malaysia, người phát ngôn từ chối bình luận.

Trung Quốc gây lo ngại cho Malaysia và Brunei ảnh 1

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công hôm 20-3 đang ở đảo Lý Sơn ngày 27-3. Ảnh và chú thích: REUTERS

Khi được hỏi liệu Mỹ có phản đối về mặt nguyên tắc đối với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào tập trận hải quân ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác hay không, người phát ngôn nói nguyên tắc chung của Mỹ là phải bảo đảm dòng chảy thương mại tự do và giải quyết các vấn đề biển Đông thông qua con đường ngoại giao.

Báo USA Today (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Michael Auslin ở Viện Doanh nghiệp Mỹ ghi nhận trong vấn đề biển Đông, Mỹ từng tuyên bố muốn các bên giải quyết tranh chấp trong hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, Trung Quốc sẽ xem việc Mỹ im lặng khi Trung Quốc đưa tàu đến tập trận ở bãi cạn James là dấu hiệu bật đèn xanh để Trung Quốc tiếp tục lấn tới.

Ông cho rằng Mỹ cần thể hiện vai trò lâu dài trong công việc bảo đảm an ninh ở biển Đông. Ông kêu gọi Nhà Trắng nên tăng dần tần suất tàu chiến hoạt động ở khu vực biển Đông để cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ vẫn đang hiện diện và điều này sẽ làm tăng niềm tin từ các đồng minh của Mỹ.

Malaysia và Brunei không yên tĩnh

Báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 27-3 dẫn lời chuyên gia Tang Siew Mun ở Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Malaysia) cho biết Malaysia là một trong những nước ôn hòa nhất trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Tuy nhiên, ông không hiểu tại sao Bắc Kinh lại muốn gây xung khắc với Malaysia khi đưa tàu hải quân đến bãi cạn James. Ông gọi động thái của Trung Quốc là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng.

GS Carlyle Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu hải quân đến sát bờ biển Malaysia sẽ gây báo động cho Kuala Lumpur vì Malaysia đã xây dựng các dàn khoan dầu khí trong khu vực mà Trung Quốc gọi là đường lưỡi bò, không cách xa bãi cạn James lắm.

Chuyên gia Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định động thái trên của Trung Quốc sẽ gây lo ngại cho Malaysia và Brunei vì hai nước này không còn hưởng được thái độ tiết chế gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông như trước nữa.

Nhà phân tích Gary Li thuộc Trung tâm tham vấn IHS Fairplay ở London (Anh) mô tả sự kiện Trung Quốc cử lực lượng đặc nhiệm tiến sát cực nam biển Đông với số lượng bốn tàu như vậy là điều hết sức ngạc nhiên dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông nhận xét đây không phải vài tàu tuần tra mà một đội tàu đổ bộ mang theo lính hải quân, thủy phi cơ, được các tàu hộ tống tốt nhất và máy bay chiến đấu yểm trợ. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ thấy điều tương tự xảy ra tại khu vực này cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Tuần báo Mỹ US News ngày 27-3 (giờ địa phương) nhận định không mấy lạc quan rằng biển Đông sẽ đối mặt với một mùa hè vô cùng bận rộn mà khởi đầu là vụ tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam hôm 20-3.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) lo ngại sẽ còn nhiều va chạm nữa xảy ra đối với ngư dân Việt Nam bởi mùa đánh bắt năm nay chỉ mới bắt đầu. Bà nhận định mục đích của Trung Quốc là muốn khẳng định chủ quyền nhằm bao chiếm biển Đông.

Ngày 27-3 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell thông báo hôm 26-3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên hệ với chính phủ Trung Quốc để tìm hiểu thông tin về vụ tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam ở khu vực biển Hoàng Sa của Việt Nam hôm 20-3. Khi phóng viên hỏi về phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ trước việc Trung Quốc phủ nhận bắn tàu cá Việt Nam, người phát ngôn cho biết vẫn đang trao đổi với phía Việt Nam và Trung Quốc và chưa có thông tin gì thêm.

Trang tin Policymic (Mỹ) nhận định Trung Quốc đã bộc lộ nhiều hạn chế trong vụ tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam. Trang tin này cho rằng sẽ cần thời gian để Trung Quốc đánh giá lại các ưu tiên ngắn hạn và dài hạn để hiểu được sự khác biệt giữa hành động và tác động của hành động đó lên các nước khác, từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp hữu hình nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

LÊ LINH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm