Hải quân Trung Quốc phô trương tính chuyên nghiệp ở biển Đông và biển Hoa Đông chính là thách thức buộc các nước ở hai khu vực này phải tìm cách chống cự. Hãng tin Bloomberg đưa tin đây là nội dung chính trong báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Úc công bố hôm 29-4 (giờ địa phương).
Hai tác giả báo cáo là Ashley Townshend (thỉnh giảng tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương thuộc ĐH Phục Đán-Thượng Hải) và Rory Medcalf (lãnh đạo Trường An ninh quốc gia thuộc ĐH quốc gia Úc ở Canberra).
Hai tác giả nhận định Bắc Kinh mới thực hiện một chiến lược hàng hải mới, đó là ngừng thực hiện tấn công chiến thuật và tập trung vào các hành vi “quyết đoán thụ động” để củng cố tình hình nguyên trạng mới trên vùng biển châu Á.
Chiến lược này tập trung quanh chương trình tăng cường trên các đảo nhân tạo.
Báo cáo nêu: “Vì hầu như không thể ép buộc Trung Quốc rút khỏi các vị trí tiền tiêu của họ, đường lối khẩn cấp hiện nay là ngoài việc bảo vệ quyền tự do hàng hải thì cần ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa hoặc lập vùng nhận dạng phòng không mới, đặc biệt là trong tương quan với quần đảo Trường Sa”.
Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida và người đồng cấp Vương Nghị hội đàm ngày 30-4. Ảnh: JAPAN TIMES
Báo cáo giải thích chiến lược hiện nay của Bắc Kinh là “quyết đoán thụ động”, trong đó Trung Quốc sử dụng vỏ bọc “vì tình hình ổn định tương đối của khu vực” để thúc đẩy chương trình xây đảo nhân tạo, quân sự hóa và mở rộng các cuộc tuần tra nhằm hình thành các khu quân sự mới.
Một phần của chiến dịch này là thể hiện Mỹ và các đồng minh là “xâm lược”. Chiến thuật này đã được công bố tại cuộc họp báo tháng hôm 28-4.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói: “Cái gọi là hoạt động tự do hàng hải của Mỹ đã đẩy tình hình biển Hoa Nam vào rối loạn, gây nguy hại cho ổn định khu vực và quyền lợi an ninh của các nước ven biển”.
Để chống lại chiến lược hàng hải mới của Trung Quốc, hai tác giả Ashley Townshend và Rory Medcalf đã đề nghị các biện pháp như sau:
. Củng cố và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin hàng hải và hàng không nhằm đưa các bộ quy tắc Trung-Nhật và Trung Quốc-ASEAN ngang tầm với các quy định Mỹ-Trung. Quy tắc ứng xử trong các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển phải bao gồm lực lượng tuần duyên và các lực lượng kiểm ngư dân sự.
. Các nước phải thực hiện tự do hàng không và hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi đắp xây dựng trái phép và đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các đảo nhân tạo này.
. Công tác củng cố năng lực hàng hải phải được mở rộng để các nước có thể đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Hoạt động này cần bao gồm chuyển giao tàu chiến, máy bay và các công nghệ giám sát để các nước (như Philippines và Malaysia) tuần tra trong lãnh hải của họ.
. Tăng cường nỗ lực ngoại giao nhắm đến mục tiêu tự giới thiệu là công dân quốc tế tốt, bao gồm tăng cường ủng hộ Phillipines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực La Haye.
Tuyên bố của Trung Quốc (hôm 28-4) là ví dụ mới nhất về nỗ lực quan hệ công chúng nhằm tô vẽ Mỹ là kẻ khiêu khích hàng hải chủ yếu ở châu Á. Bằng cách thường xuyên mô tả Mỹ và các đối tác là các thế lực gây bất ổn, chiến dịch quan hệ công chúng của Trung Quốc có thể làm vẩn đục nhận định của quốc tế về việc ai thực sự gây ra căng thẳng trên biển ở châu Á. Tác giả báo cáo ASHLEY TOWNSHEND |
Nhật-Trung cam kết không là mối đe dọa của nhau Bộ Ngoại giao Nhật thông báo hôm 30-4, tại cuộc hội đàm kéo dài hơn bốn tiếng tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy cải thiện quan hệ chính trị giữa hai nước. Hai bên khẳng định hai nước là “đối tác hợp tác” và nước này sẽ không là mối đe dọa của nước kia. Ông Fumio Kishida nhấn mạnh cần tăng cường lòng tin lẫn nhau bằng cách hợp tác trong các lĩnh vực phi chính trị như kinh tế, môi trường, giao lưu thanh niên. Ông cho biết Nhật sẽ nới lỏng quy định visa nhập cảnh cho du khách Trung Quốc. Báo Japan Times đưa tin ngoài ra, hai bộ trưởng cũng trao đổi về CHDCND Triều Tiên, biển Đông và Đài Loan. Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin ông Vương Nghị đã đưa ra yêu cầu bốn điểm để cải thiện quan hệ Trung-Nhật, đó là: - Về chính trị, Nhật nên tuân thủ bốn tài liệu chính trị đạt được giữa hai nước, đối diện và suy nghĩ về lịch sử và tuân thủ chính sách một Trung Quốc. - Về viễn ảnh đối với Trung Quốc, bằng hành động cụ thể Nhật nên thể hiện đồng thuận với Trung Quốc rằng hai nước là “đối tác hợp tác” hơn là nước này đe dọa nước kia. Nhật phải có thái độ tích cực hơn và trong sáng hơn về phát triển Trung Quốc, ngừng tuyên truyền hay phụ họa về “mối đe dọa Trung Quốc” hay học thuyết “suy thoái kinh tế Trung Quốc”. - Về trao đổi kinh tế, Nhật nên thiết lập khái niệm hợp tác cả hai cùng thắng, tăng cường hợp tác bình đẳng trên cơ sở hai bên cùng có lợi. - Về các công việc khu vực và quốc tế, hai bên phải tôn trọng lợi ích và quan tâm chính đáng của nhau, thông tin và điều phối với nhau lúc thích hợp. Nhật phải gác lại tinh thần đối đầu và cùng trao đổi với Trung Quốc về duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của một bộ trưởng Ngoại giao Nhật trong khoảng bốn năm rưỡi qua. Ông Fumio Kishida hy vọng chuyến thăm sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau thường xuyên hơn. Tokyo dự kiến hai nhà lãnh đạo Nhật và Trung Quốc sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới. TNL |