Theo tờ South China Morning Post, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 9-5 thông báo hải quân nước này và Indonesia đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng biển ngoài khơi Jakarta trong nỗ lực nhằm cải thiện lòng tin và hợp tác giữa những căng thẳng ở Biển Đông.
Theo thông báo hôm 9-5, các cuộc tập trận, đã diễn ra vào sáng 8-5, là một phần trong chương trình huấn luyện hàng năm của hải quân Trung Quốc.
Các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Liễu Châu và Suqian của Trung Quốc, cùng tàu khu trục KRI Usman Harun và tàu tên lửa KRI Halasan của Indonesia đã tham gia các cuộc tập trận, bao gồm diễn tập thông tin liên lạc, hoạt động tìm kiếm cứu nạn và diễn tập đội hình.
Tàu Hải quân Indonesia tại cảng Tanjung Wangi. Ảnh: AJENG DINAR ULFIANA, REUTERS
South China Morning Post dẫn lời ông Mei Guoqiang - người đứng đầu nhóm huấn luyện ngoài khơi của Bộ chỉ huy miền Nam của Hải quân Trung Quốc – cho biết các cuộc tập trận sẽ “giúp tăng cường sự phối hợp giữa các tàu chiến, làm sâu sắc thêm việc giao tiếp chuyên nghiệp, tăng cường sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau và cùng thể hiện những hành động thiết thực để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.
Đợt tập trận trên diễn ra chỉ một tuần sau Bắc Kinh thông báo đã gửi ba tàu cứu hộ, bao gồm một tàu lặn có người lái có khả năng lặn xuống độ sâu 10.000 m, để hỗ trợ Jakarta trục vớt tàu ngầm gặp nạn hồi cuối tháng 4 với sự mất mát của tất cả 53 thành viên thủy thủ đoàn.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia sứ mệnh cứu hộ tàu ngầm quốc tế.
Các nhà quan sát cho rằng hoạt động này sẽ giúp quân đội Trung Quốc có được những kinh nghiệm quý giá, tuy sự hỗ trợ của Trung Quốc đã dấy lên nhiều nghi ngờ từ Indonesia và phương Tây về ý định thực sự đằng sau.
Trung Quốc và Indonesia tồn tại những mâu thuẫn liên quan quyền đánh bắt cá gần quần đảo Natuna ở Biển Đông. Tuy Jakarta không liên quan bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Bắc Kinh tại Biển Đông, song lại coi vùng biển ngoài khơi Natuna là một phần vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong khi đó Bắc Kinh lại tuyên bố có quyền lịch sử để đánh bắt cá tại khu vực này.
Hải quân Trung Quốc hồi tháng Tư đã bắt đầu chương trình huấn luyện hàng năm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước cho biết tàu sân bay Sơn Đông cùng nhóm tàu hộ tống đã bắt đầu cuộc tập trận ở Biển Đông, chỉ vài ngày khi nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh hoàn thành cuộc diễn tập tại khu vực này.
Ông Gao Xiucheng - phát ngôn viên của lực lượng hải quân Trung Quốc – hôm 2-5 khẳng định nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đã tiến vào Biển Đông và hoàn thành xong các hoạt động diễn tập quân sự ở đây.
Ông Gao cũng nhấn mạnh các hoạt động của tàu Sơn Đông là "chính đáng" để bảo vệ cái mà ông này gọi là "chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" trong khu vực và trong tương lai sẽ còn tiếp tục diễn tập ở Biển Đông.
Giới quan sát quân sự nhận định việc Trung Quốc liên tục cho tàu sân bay xuống Biển Đông là một hoạt động phô trương sức mạnh trong bối cảnh các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu ngày càng hiện diện mạnh mẽ ở vùng biển này.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.