Trung Quốc không ngại gây... thảm họa với Mỹ?

Cuộc gặp gỡ giữa Mỹ và TQ tại diễn đàn Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung gần đây diễn ra trong bối cảnh cục diện an ninh và chính trị khu vực có những diễn biến mới - những diễn biến mà có lẽ ngoài TQ không ai khác lường trước.

Đồng thời với cuộc gặp này, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, cũng diễn ra Hội thảo về Xu hướng mới tại Biển Đông và chính sách Mỹ với sự tham dự của đại diện Mỹ, Việt Nam, Philippines, và TQ. Cùng lúc đó, tờ Wall Street Journal đưa tin về kết quả vụ kiện tranh chấp vùng biển giữa Ấn Độ và Bangladesh, trong đó Ấn Độ chỉ được 20% diện tích của vùng tranh chấp nhưng cả hai nước đều cam kết thực hiện đúng theo phán quyết này và Bộ Ngoại giao Ấn Độ thậm chí còn ra tuyên bố nói rằng kết quả này sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước!

Bất chấp lời tuyên bố ngay từ bài khai mạc của Tập Cận Bình là "sự đối đầu giữa Mỹ và TQ sẽ là một thảm họa" hành động của giới lãnh đạo TQ cả trong và ngoài nước đều thể hiện họ không hề ngại gì "thảm họa" mà họ đang tạo ra.

Kết thúc đối thoại, có thể nói trở ngại về chiến lược lớn nhất giữa hai nước đó là cách nhìn nhận của mỗi nước về cấu trúc an ninh khu vực và thế giới. Mỹ ủng hộ việc "trỗi dậy hòa bình" của TQ, nhưng cho rằng mô hình liên minh liên kết của mình chính là nhân tố đã đảm bảo cho an ninh khu vực từ 60 chục năm nay (phải thừa nhận là ngoài chiến tranh Mỹ - Việt thì ở Triều Tiên, Nhật Bản, phần lớn Đông Nam Á, v.v... đều im tiếng súng).

Trong khi đó, điều TQ muốn thì hoàn toàn ngược lại - các liên minh khu vực giữa Mỹ - Nhật, Mỹ - Philippines, Mỹ - Úc là cái gai trong mắt TQ và nước này muốn được tự tay thiết lập một trật tự mới, trận tự theo kiểu "châu Á là của người châu Á (đúng hơn là của người TQ)" và Mỹ không cần có vai trò gì ở đây.

Bất chấp phía Mỹ đưa ra các gợi ý hoặc phương án khác nhau để cùng hợp tác với TQ trong trật tự thế giới hiện đại, đặc biệt là tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, lập trường của TQ là kiểu "hoặc hoặc": hoặc tôi (TQ) hoặc anh (Mỹ). Cùng lúc đó, tại hội thảo của CSIS, đại diện TQ cũng thẳng thừng: "Không có đường bờ biển thì đừng có xía vào các vấn đề tranh chấp biển đảo" - là cách nói trắng ra với những đại diện Mỹ ở đây là "việc tranh chấp ở biển Đông không phải là việc của Mỹ."

Tuy nhiên, ngoài các trở ngại về chiến lược như trên thì diễn đàn này còn là diễn đàn "kinh tế" và về mặt này thì gần như cả hai nước vẫn trung thành với kịch bản từ những năm 70 của thế kỉ trước: tiếp tục hợp tác, hai bên cùng có lợi. Tại đối thoại lần này, hai bên vẫn ký kết được rất nhiều các thỏa thuận làm ăn - như thể việc an ninh chính trị đang xảy ra ở một không gian nào khác, không hề liên quan tới những món lợi kinh tế.

Lá bài kinh tế là thứ TQ đang sử dụng một cách tinh vi. Kinh tế Mỹ liên hệ chặt chẽ với kinh tế TQ - cả về sản xuất và thị trường. Nhưng điều quan trọng hơn là "niềm tin" - TQ đã rất giỏi (bằng truyền thông và bằng vận động hành lang trong chính trường Mỹ) trong việc tạo nên một câu chuyện thần thoại là kinh tế Mỹ rất yếu, rất mong manh, và phụ thuộc vào kinh tế TQ tới mức mà nếu "có chuyện gì xảy ra" thì người thiệt hại đầu tiên đó là Mỹ và Mỹ sẽ không thể vực lại được (trong thực tế thì nạn nhân đầu tiên phải là TQ).

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại đối thoại chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 6. Ảnh:Reuters

Đó chính là lý do tại sao ứng xử của Mỹ hiện nay cứ loay hoay như gà mắc tóc, còn thái độ của TQ nếu không nói là ngang ngược thì cũng là kiểu "ta đây chả sợ ai". Tại tất cả các diễn đàn khu vực và quốc tế, TQ đều thống nhất một luận điệu: Luật quốc tế là chỉ để "tham khảo" và TQ sẽ tự thấy lúc nào thì cần áp dụng luật nào và lúc nào thì không! Nói một cách khác, lẽ phải sẽ là phải nếu TQ nói thế! Rõ ràng nước này đã dựng lên một huyền thoại về "siêu cường Trung Hoa" và đang sống với huyền thoại đó.

Nếu người TQ cứ tung hê như thế với nhau thì có lẽ chả ai quan tâm. Vấn đề là sự tự huyễn hoặc đó có thể gây ra những diễn biến bất ngờ và nghiêm trọng mà nếu không cẩn thận, các nước nhỏ sẽ trở thành hạt bụi trong vòng xoáy lớn. Lúc này là lúc cần chỉ ra cho TQ thấy họ có thực sự mạnh hay không, và kể cả họ có mạnh đi chăng nữa, cần nhắc lại cho họ các bài học lịch sử để thấy kết cục của sự "trỗi dậy" cực đoan trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

Nhưng ai có thể chỉ ra cho chính quyền TQ và khiến họ phải lắng nghe?

Thứ nhất việc tranh chấp với TQ chỉ liên quan tới một số các nước ASEAN. Ngoài ra, TQ đã và có đủ khả năng lũng đoạn một số nước ASEAN nên để có được hành động thống nhất toàn khối gần như là điều khó có thể. Tóm lại, chỉ có các mối quan hệ hợp tác, trong đó vai trò trụ cột là các nước lớn mới có thể "dằn mặt" được TQ - và đó cũng chính là lý do tại sao tại đối thoại Trung-Mỹ vừa qua, TQ chỉ nằng nặc một điều là Mỹ phải vô hiệu hóa các liên minh này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và để TQ thiết lập một cấu trúc khác theo kiểu họ muốn.

Việt Nam có gia nhập xu thế này hay không là câu hỏi chỉ có thời gian mới trả lời được, nhưng điều quan trọng hiện nay là phải tỏ cho họ thấy thiện chí của ta. Người Việt Nam có câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần" - song cần phải thêm vào một vế nữa, đó là láng giềng có đáng tin và đáng "mua" không. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là hai nước gần với Trung Quốc về địa lý, nhưng họ không nhất thiết phải lệ thuộc vào TQ.

Hội thảo CSIS ngày 10-11/7 tại Washington, từ trái qua phải. Ảnh:Minh Nguyệt

Ngoài ra, việc đưa TQ ra tòa là việc làm vô cùng cần thiết. Và thắng lợi của Bangladesh gần đây càng chứng minh điều đó. Tất nhiên, câu hỏi mà một số người đặt ra (kể cả tại hội thảo CSIS) là "nếu TQ không trình tại tòa và không chấp nhận phán quyết?" Việc TQ làm gì đó là việc của họ. Nhưng khi vụ việc được đưa ra công luận quốc tế, được quốc tế thừa nhận... đó sẽ làm cơ sở quan trọng cho các nước có ý thân thiện với Việt Nam dựa vào đó để hành động.

Việc vận động hành lang tại Mỹ cũng là mảng mà TQ đang làm rất bài bản. Họ có một mạng lưới "thân Trung" rộng khắp, tranh thủ từ chính trị gia tới các hội đoàn, nhất là phe cánh tả - những người luôn cho rằng Mỹ là "thủ phạm" cho mọi rối loạn trên thế giới và TQ chỉ là "nạn nhân."

Ngoài ra, hiện cũng đã đến lúc VN tận dụng tối đa kênh ngoại giao nhân dânsức mạnh mà trong mấy thập kỉ này dường như chúng ta chưa để tâm đúng mức. Việc TQ cư xử ngang ngược chỉ làm tăng sự nghi ngại của thế giới. Trong nước Mỹ, bất chấp việc các tập đoàn và công ty tăng cường làm ăn với TQ, dân Mỹ phần lớn là thiếu thiện cảm với nước này bởi các vụ làm ăn thiếu đạo đức đã được phanh phui như ăn cắp bí mật công nghệ hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Một nước lớn chỉ có thể xứng tầm nước lớn nếu vừa có sức mạnh vừa có chính nghĩa. TQ chưa đạt được tiêu chí nào trong hai tiêu chí trên và ta cần biết khai thác tối đa điều đó.

Minh Nguyệt (từ Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới