Trung Quốc - mục tiêu số một của Mỹ

Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông của Trung Quốc tại Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) vừa công bố báo cáo có tiêu đề “Báo cáo về sự hiện diện quân sự của Mỹ gia tăng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Báo cáo đánh giá về Mỹ như sau:

• Chi phí quân sự, căn cứ Mỹ và hoạt động triển khai: Năm 2012 và 2013, Tổng thống Obama đã thông báo đến năm 2020 sẽ triển khai 60% lực lượng tàu chiến và không quân đến châu Á-Thái Bình Dương.

Ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm tài chính 2016 là 585,3 tỉ USD (tăng 4%). Hồi tháng 2-2016, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự kiến ngân sách cho năm tài chính 2017 là 583 tỉ USD.

Năm 2015, Mỹ đã có 368.000 quân hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, chiếm hơn 50% quân số Mỹ ở nước ngoài.

• Các hoạt động quân sự: Để thực hiện chính sách tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã triển khai các máy bay thám sát tiên tiến, máy bay không người lái, tàu trinh sát điện tử, tàu ngầm hạt nhân, vệ tinh do thám.

Trung Quốc đã trở thành mục tiêu do thám số một của Mỹ xét về tần suất, quy mô và phương tiện.

Mỹ đã thực hiện hơn 260 phi vụ do thám đối với Trung Quốc năm 2009. Con số này đã tăng trên 1.200 phi vụ năm 2014 và tăng thêm khi Mỹ gia tăng hoạt động do thám ở biển Đông trong năm 2015.

Về hoạt động hàng hải, tàu và máy bay Mỹ đã thực hiện hơn 700 lượt tuần tra ở biển Đông năm 2015.

Từ tháng 10-2015, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã được triển khai ở Nhật. Ảnh: JAPAN TIMES

Mỹ cũng đã gia tăng tần suất, quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc tập trận chung. Năm 2014, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã tổ chức 160 cuộc tập trận trong khu vực. Con số này đã tăng lên 175 cuộc trong năm 2015.

Nội dung tập trận cũng được mở rộng gồm chiến tranh trên bộ, không chiến, hải chiến, chiến tranh chống tên lửa, chiến dịch đặc nhiệm, chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng.

• Các đồng minh, đối tác và hợp tác quân sự: Tại Nhật, Mỹ có hơn 100 cơ sở quân sự với khoảng 50.000 binh sĩ. Tại Hàn Quốc, Mỹ đã triển khai quân nhiều thứ hai châu Á. Tháng 6-2015, Mỹ đã chấp thuận bán 1,91 tỉ USD vũ khí cho Hàn Quốc. Đến tháng 3-2016, Mỹ-Hàn đã đạt được thỏa thuận về bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tháng 4-2014, Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng trong 10 năm.

Đối với Úc, tháng 11-2011, Mỹ và Úc đã thông báo hai sáng kiến: Cho phép Mỹ triển khai luân phiên 200-250 binh sĩ đến Darwin và tăng lượt máy bay Mỹ luân phiên đến Úc. Năm 2014, hai nước đã ký Hiệp định Bố trí quân lực Mỹ-Úc kéo dài 25 năm.

Năm 2012, Mỹ và Thái Lan đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Mỹ-Thái.

Tháng 12-2015, Mỹ và Singapore đã ký Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng. Tại Singapore, hai căn cứ Changi và Paya Lebar đã trở thành các cứ điểm quan trọng nhất của Mỹ ở biển Đông.

Mỹ đã tập trận chung với Malaysia mỗi năm và giúp Malaysia xây dựng một trạm radar nhằm tăng cường kiểm soát trên biển Đông.

Trong những năm qua, Mỹ đã cải thiện quan hệ quân sự và an ninh với Việt Nam. Tháng 8-2011, quân y hai nước đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác song phương. Tháng 5-2016, Tổng thống Obama đã tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Báo cáo đăng trên báo China Daily (Trung Quốc) ngày 25-11 đánh giá Trung Quốc đang xây dựng mô hình quan hệ với Mỹ bao gồm các nguyên tắc: Không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác hai bên cùng thắng. Báo cáo nhận định dù nguy cơ va chạm đang gia tăng ở biển Đông và biển Hoa Đông, cơ chế đối thoại cấp cao và các chương trình trao đổi giữa hai quân đội vẫn tiếp tục, cởi mở và mềm dẻo hơn.

___________________________________

Lợi ích đầu tiên và cơ bản nhất của Mỹ ở biển Đông là duy trì tự do hàng hải cho tàu chiến Mỹ.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm