Trung Quốc muốn chặn Mỹ ở Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cùng tướng hải quân Joseph F. Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã ra điều trần trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ ngày 25-2 (giờ địa phương).

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và tướng Joseph F. Dunford điều trần ngày 25-2. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Mỹ coi trọng Thái Bình Dương

Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin tại cuộc điều trần, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã giải thích dự chi ngân sách quốc phòng năm 2017 nhằm thúc đẩy vai trò bảo đảm an ninh trên thế giới của Mỹ đồng thời đầu tư cho công nghệ và con người trong kỷ nguyên chiến lược mới.

Ông cho biết Bộ Quốc phòng hoạch định chính sách và ngân sách căn cứ năm thách thức gồm Nga, Trung Quốc (TQ), CHDCND Triều Tiên, Iran và khủng bố, đặc biệt là khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Về cuộc chiến chống IS, ông cho biết liên minh do Mỹ đứng đầu sẽ tiếp tục công việc ở Iraq, Syria và mở rộng địa bàn sang châu Phi và Afghanistan.

Đối với TQ, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin ông Ashton Carter nhận xét hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo và bố trí quân sự trên đó của TQ ở biển Đông sẽ khiến TQ tự cô lập và các nước láng giềng sẽ quay lại chống TQ.

Ông nhấn mạnh Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Thái Bình Dương để giữ vai trò cường quốc ở Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không để cho ai thống trị khu vực cũng như chắc chắn không để ai đẩy Mỹ ra khỏi khu vực đó.

Tại cuộc điều trần, tướng Joseph Dunford nhận định TQ gia tăng sự hiện diện quân sự ở biển Đông nhằm hạn chế năng lực di chuyển của Mỹ ở Thái Bình Dương hoặc hạn chế Mỹ tự do hoạt động ở Thái Bình Dương.

Ông nói dự toán ngân sách quốc phòng sắp tới nhắm đến mục tiêu phát triển khả năng để duy trì lợi thế của Mỹ đối với TQ.

Ông giải thích đây cũng là lý do Bộ Quốc phòng điều động các năng lực quân sự hiện đại nhất ưu tiên cho Thái Bình Dương trước hết. Trong đó có các máy bay chiến đấu F-35 và F-22.

Cục diện chiến thuật có thể thay đổi

Trong khi đó, hãng tin AFP đưa tin phát biểu với báo chí trong chuyến thăm Lầu Năm Góc hôm 25-2 (giờ địa phương), Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, nhận định TQ đang tìm cách kiểm soát biển Đông trên thực tế.

Ông ghi nhận tình hình TQ xây dựng đường băng sân bay, hầm ngầm, các trạm radar trên các đảo nhân tạo và triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đã cho thấy Bắc Kinh đang quyết làm bá chủ quân sự trong khu vực.

Ông lưu ý: “Nếu TQ cứ tiếp tục vũ trang các cơ sở đã bồi lấn trên biển Đông, cục diện chiến thuật khu vực có thể bị thay đổi”.

Ông cảnh báo: “Tôi lo TQ có thể sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Điều đó có thể được xem là hành vi khiêu khích và dẫn tới bất ổn khu vực”.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Mỹ sẽ phớt lờ bất kỳ vùng nhận dạng phòng không nào kiểu như vậy.

Ông tiếp tục kêu gọi Mỹ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và bay qua ở biển Đông đồng thời kêu gọi các quốc gia có cùng suy nghĩ nên làm theo.

Trung Quốc thừa nhận quân sự hóa

Ngày 25-2, Úc công bố Sách trắng quốc phòng 2016 nêu chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng 139 tỉ USD trong thập niên tới.

Sách trắng quốc phòng ghi nhận Úc đặc biệt quan tâm đến nhịp độ và quy mô của hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo chưa từng thấy của TQ ở biển Đông.

Sách trắng quốc phòng phản đối sử dụng các cấu trúc nhân tạo trên biển Đông vì mục đích quân sự.

Sau đó, TQ đã lên tiếng phản bác Sách trắng quốc phòng của Úc.

Báo Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin hôm 25-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi Úc xử lý đúng đắn các mục tiêu chiến lược của TQ để cổ súy lòng tin lẫn nhau.

Bà nói TQ bất bình khi Úc đưa ra “các lưu ý tiêu cực” về biển Đông và hoạt động phát triển quân sự của TQ ở đó.

Tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Ngô Khiêm cảnh báo liên minh quân sự Úc-Mỹ cần phải thoát khỏi ý thức của chiến tranh lạnh.

Ông này phản đối Úc noi theo Mỹ thực hiện tự do hàng hải ở biển Đông vì cho rằng hành động này “có thể làm phương hại ổn định khu vực”.

Ông đổ lỗi thực chất chính Mỹ thúc đẩy quân sự hóa ở biển Đông nên TQ cần phòng vệ ở biển Đông.

Reuters đưa tin khi được hỏi TQ có thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông hay không, người phát ngôn Ngô Khiêm nói với giọng điệu mặc cả: “TQ có quyền làm điều đó nhưng hành động này tùy thuộc mức độ đe dọa trên không đối với TQ”.

Đài truyền hình ABC (Úc) ngày 26-2 đưa tin trò chuyện với ABC, ông Kim Beazley, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Úc, nguyên Chủ tịch Công đảng, đề nghị Úc cần phải thường xuyên tiến hành hoạt động tự do hàng hải và hàng không trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nhận định về hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo của TQ ở biển Đông, ông nói: “Không có gì khiêu khích hơn xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo mà phần còn lại của thế giới không chấp nhận”. Ông lặp lại: “Điều đó rất, rất là khiêu khích”.

Ông Kim Beazley, đại sứ Úc ở Mỹ trong sáu năm, cho biết Mỹ muốn Úc thực hiện tự do hàng hải vì Washington tin rằng Úc sẽ không bị sức mạnh quân sự hay kinh tế của TQ ảnh hưởng trong khi nhiều nước trong khu vực không có khả năng thực hiện tự do hàng hải một cách độc lập.

Ông khuyên chính phủ Úc: “Khi mọi việc trở thành thói quen, người TQ thường có xu hướng sống chung với các thói quen đó… Vậy cách tốt nhất là biến điều đó (thực hiện tự do hàng hải) thành thói quen. Các bạn đừng thông báo gì hết mà cứ làm đi”.

Tiêu điểm

Đô đốc Harry Harris đang cố báo động về những gì có thể xảy ra trên biển Đông nếu Mỹ không có phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng mạnh mẽ hơn từ bên trong và bên ngoài khu vực là những gì ông ấy đang cố gắng thúc đẩy… Người Mỹ không thể làm điều đó một mình.

Chuyên gia BONNIE GLASER ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trả lời AFP ngày 26-2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới