Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những động thái leo thang căng thẳng gần đây của Trung Quốc (TQ) ở quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa của Việt Nam, tướng Daniel Schaeffer, học giả cao cấp về tranh chấp trên biển Đông của Tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp), nhận định TQ đang tỏ ra không quan tâm đến bất kể ai, thậm chí là Mỹ và các đồng minh.
. Phóng viên: Vào đầu tháng 5, hãng tin CNBC (Mỹ) cho biết TQ đã âm thầm lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa. Vài tuần sau đó, TQ tiếp tục thông báo đã diễn tập cất cánh, hạ cánh thành công các máy bay ném bom, trong đó có H-6K ở một hòn đảo không được nêu tên ở biển Đông. Theo ông, ý nghĩa chiến lược của các động thái này của Bắc Kinh là gì?
+ Tướng Daniel Schaeffer: Các cuộc diễn tập với máy bay ném bom H-6K do TQ thực hiện diễn ra ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này sau khi TQ công bố các hình ảnh diễn tập đã được xác định bởi các chuyên gia phân tích hình ảnh.
Ý nghĩa chiến lược của các hoạt động quân sự hóa ở các đảo như Phú Lâm ở Hoàng Sa và ở các đảo nhân tạo do TQ bồi lấp xây dựng ở Trường Sa là không khó hiểu, có thể được diễn giải (theo giọng điệu của Bắc Kinh - PV) rằng: “Chúng tôi phòng vệ đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi và các vùng biển xung quanh thuộc về chúng tôi. Chúng tôi chuẩn bị (các thiết bị quân sự) để bảo vệ chúng. Chúng tôi không quan tâm ai phản đối và đòi hỏi chủ quyền ở đây. Chúng tôi cũng không quan tâm Mỹ hay cộng đồng quốc tế nghĩ gì về hành động này của chúng tôi. Đừng lo, chúng tôi vẫn đang tiếp tục các hoạt động tăng cường lực lượng quân sự như thế này ở tất cả khu vực”.
Tướng Daniel Schaeffer tại hội thảo “Xung đột ở biển Đông” tại Đại học Yale (Mỹ) tháng 5-2016. Ảnh: PHÚC TIẾN
Tôi nghĩ TQ sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự hóa như thể họ không sai trái điều gì, bởi TQ biết rằng không có một quốc gia đơn lẻ nào, thậm chí là Mỹ sẽ can đảm bắt đầu chí ít là một cuộc đụng độ quân sự tại khu vực. Mục đích cuối cùng của TQ sau tất cả hoạt động này là trở thành bá chủ biển Đông và cố gắng đẩy lực lượng hải quân của tất cả nước khác ra khỏi vùng biển này, đặc biệt là hải quân Mỹ và các đồng minh của Mỹ, để đảm bảo điều mà phía TQ gọi là an ninh quốc gia của nước này.
. Theo ông, tại sao TQ lại chọn thời điểm hiện nay để triển khai nhiều vũ khí quân sự chiến lược ra biển Đông sau một thời gian khá yên tĩnh?
+ Tôi không nghĩ rằng có lý do đặc biệt nào trong việc chọn thời điểm tháng 5-2018 để trình làng tất cả phương tiện quân sự của TQ ở biển Đông. Người TQ là những người tổ chức làm việc chính xác, nếu không có những trường hợp mang tính ngoại lệ thì họ luôn tuân thủ các chương trình mà họ đã định sẵn.
Đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc diễn tập máy bay ném bom H-6K. Ảnh: REUTERS
Khi nói đến việc thời gian qua TQ khá yên tĩnh, chúng ta không nên mắc sai lầm bởi giọng điệu tuyên truyền của TQ hay của Philippines, vốn cố ý muốn chúng ta nghĩ rằng biển Đông đang yên bình. Sự giảm nhiệt ở biển Đông suốt năm ngoái đến trước khi TQ gây căng thẳng gần đây chỉ là ảo giác bởi thực tế suốt thời gian qua căng thẳng biển Đông vẫn đang tiếp diễn, họa chăng là nhiều hơn hay ít hơn mà thôi.
. Theo đánh giá của ông thì các hoạt động quân sự hóa của TQ thời gian qua sẽ tác động như thế nào đến an ninh khu vực? Và diện mạo an ninh khu vực sẽ có thay đổi như thế nào dưới sự tác động của các động thái leo thang này?
+ Các động thái của TQ làm suy yếu trầm trọng an ninh khu vực. Bằng nhiều cách khác nhau, TQ mong muốn buộc tất cả quốc gia Đông Nam Á phải im lặng và cam chịu. Đồng thời đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi biển Đông. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng (như mong đợi của TQ) sẽ rất khó đạt được khi nào Mỹ và đồng minh chưa từ bỏ cuộc chiến mang tính đại diện cho tự do hàng hải quốc tế không thể bị đảo ngược ở vùng biển quốc tế rộng lớn, vốn không thể để trở thành “ao nhà” của TQ. Bắc Kinh dù có muốn gì và thậm chí có dùng vũ lực cũng không thể bác bỏ được sự thật này.
. Xin cám ơn ông.
Các hoạt động quân sự hóa ở các tiền đồn do TQ xây dựng ở biển Đông nhằm mục đích cưỡng bách các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác trong thời bình và buộc Mỹ phải gia tăng “cái giá phải trả” khi can thiệp nếu chiến tranh xảy ra. Bà BONNIE GLASER, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ |