Trung Quốc phải rút đòi hỏi vô lý về “đường lưỡi bò”

Đó là nhận định của Tiến sĩ luật học Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngay sau khi kết thúc hội nghị quốc tế về biển Đông.

Đòi hỏi của Trung Quốc là vô lý

. Theo đánh giá của ông, hội thảo này đã đưa ra được cơ chế để giải quyết tranh chấp ở biển Đông?

Trung Quốc phải rút đòi hỏi vô lý về “đường lưỡi bò” ảnh 1

TS Trần Công Trục: “Giải quyết tranh chấp ở biển Đông rất cần thiện chí của các bên.”

+ Giải quyết xung đột, tôi nghĩ có thể tùy tình hình từng bước. Có thể cái dễ mình làm trước, khó để đấy rồi tìm hiểu, trao đổi thêm. Ngoài ra, các nước đã ký Công ước về Luật Biển 1982 nên nếu có vùng chồng lấn, các bên có thể đàm phán, hợp tác khai thác. Vùng chồng lấn đó phải được hình thành trên cơ sở Công ước về Luật Biển chứ không thể hình thành trên đường biên giới hình chữ U như yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đưa ra. Đây là điều không bao giờ chấp nhận được.

Vấn đề hợp tác khai thác chung ở vùng chồng lấn là một giải pháp tạm thời. Công ước về Luật Biển 1982 cũng nêu: Trong khi đàm phán chưa đi đến kết luận thì hai bên có thể thỏa thuận một giải pháp công bằng cùng nhau khai thác vùng chồng lấn.

Cần lưu ý, hợp tác khai thác ở chỗ khác chứ không thể ở vùng vốn là của Việt Nam, của Malaysia, của Philippines... Cơ sở xác định vùng chồng lấn phải xuất phát từ Công ước Luật Biển. Thực tế, Việt Nam đã áp dụng giải pháp tạm thời đó với Malaysia, Vịnh Thái Lan. Chúng ta rất thiện chí và cầu thị để xử lý mọi vấn đề theo đúng Công ước về Luật Biển.

Trung Quốc phải rút đòi hỏi vô lý về “đường lưỡi bò” ảnh 2

Yêu sách vô lý về “đường lưỡi bò” (đường gạch đứt đoạn) trên biển Đông do Trung Quốc đưa ra.

Tuy nhiên, muốn đạt được việc này, trước tiên phải xác định, đưa ra cơ sở chung để giải quyết vùng chồng lấn. Chứ mỗi anh một cơ sở thì chắc chắn khó có thể đi đến kết quả... Như trên đã nói: Không thể dựa trên đòi hỏi vô lý về đường lưỡi bò của phía Trung Quốc đưa ra để xác định vùng chồng lấn.

. Vậy cơ chế nào sẽ phân xử những yêu sách vô lý ấy?

+ Bên cạnh tòa án quốc tế thì những hội thảo như thế này, những “diễn đàn thứ hai” (không chính thức) cũng là một hình thức trao đổi để các nhà nghiên cứu, chính khách của các nước có liên quan phải suy nghĩ lại. Bởi vì sự thực muốn giải quyết tranh chấp phải trên cơ sở cầu thị và khoa học, không bảo thủ trên một yêu sách vô lý.

Ngay tại hội thảo, phía học giả Trung Quốc cũng chưa đồng tình với nhau về đường lưỡi bò, có người nói: Trung Quốc chưa bao giờ có ý kiến chính thức về đường ấy mà chỉ là đường đưa ra để nói Trung Quốc có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa thôi chứ không phải các vùng biển. Điều này chứng tỏ họ vẫn chưa thống nhất lập luận bảo vệ.

“Không dập ngay có thể thành đám cháy lớn”

. Trong hội thảo này, các học giả đánh giá nguy cơ xung đột ở biển Đông như thế nào, thưa ông?

+ Đây cũng là điều các học giả lo lắng. Họ lo lắng đến một nguy cơ mà nếu như những tranh chấp, mâu thuẫn trong khu vực không được giải quyết, lợi ích giải quyết không công bằng sẽ dẫn đến các xung đột. Nó không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà còn các nước có lợi ích liên quan đến biển Đông... Đốm lửa không dập tắt ngay thì có thể trở thành một đám cháy lớn.

Với những điều chúng ta đang làm, chắc chắn xung đột có thể đẩy lùi. Cái gì anh hiểu sai mà anh không có cơ sở, anh cảm thấy rằng không thực sự khách quan thì nên rút. Còn anh nào cố tình để chủ nghĩa quốc gia, dân tộc (như hôm nay có học giả nói) thì chắc chắn tạo xung đột. Vì vậy, đòi hỏi người ta phải có thiện chí. Thiện chí về mặt chính trị, về mặt khoa học và thấy rõ cái mình đưa ra không có cơ sở thì phải rút lui.

. Các học giả cũng nhắc đến việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), có tính ràng buộc hơn Tuyên bố chung về cách ứng xử ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC). Theo ông nên xây dựng như thế nào để củng cố hòa bình, hợp tác ở biển Đông, hạn chế các tranh chấp, xung đột và bảo đảm nó được thực hiện?

+ Trong hội thảo này người ta cũng đề cập đến các quy tắc ứng xử do các nước trong khu vực và Trung Quốc đã ký được với nhau. Thực ra đó cũng là một tiến bộ, còn hơn là không có một thỏa thuận nào. Thế nhưng đấy cũng chỉ là những nguyên tắc rất chung...

Sau diễn đàn này, các cơ quan, chính phủ của các nước nên có những tiếp xúc với nhau, thảo luận để đưa đến mẫu số chung, những tiếng nói chung, cơ sở pháp lý chung dựa trên công ước quốc tế chứ không thể đưa ra một “con đường” mà hoàn toàn không có cơ sở.

. Xin cảm ơn ông.

VĂN TIẾNthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm