Trung Quốc dự kiến ban hành luật chống lãng phí thực phẩm, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi người dân nước này thay đổi thói quen bỏ thừa thức ăn, báo South China Morning Post đưa tin.
Đưa việc chống lãng phí thực phẩm vào luật
Ông Zhang Guilong, - một quan chức của Ủy ban các vấn đề lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc cho biết ủy ban sẽ xây dựng các quy định về ngăn ngừa lãng phí thực phẩm thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Tuyên bố của ông Zhang được trích dẫn trên trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc.
Chỉ riêng tại bốn thành phố lớn của Trung Quốc đã lãng phí 17-18 triệu tấn thực phẩm trong một năm. Ảnh: SCMP/IMAGE CHINA
“Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý tất cả các khía cạnh bao gồm sản xuất, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ ngũ cốc. Cụ thể, chúng tôi sẽ ủng hộ một nền văn hóa ăn uống hợp lý và lành mạnh cũng như thiết lập một cơ chế lâu dài để ngăn chặn lãng phí thực phẩm" - ông Zhang cho biết.
Nhận xét của Zhang được đưa ra sau khi ông Tập kêu gọi đất nước ngừng lãng phí thực phẩm, điều mà ông mô tả là "gây sốc và đau buồn".
"Ai biết được thức ăn trên đĩa của chúng ta, mỗi hạt thóc đều từ công sức khó nhọc. Lãng phí là điều đáng xấu hổ và tiết kiệm là điều đáng trân trọng"- Chủ tịch Trung Quốc cho biết trong bài phát biểu ngày 11-8.
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết tình trạng lãng phí thực phẩm đang diễn ra nghiêm trọng ở Trung Quốc và cần có luật pháp để thay đổi thói quen ăn uống của người dân.
Ông Zheng Fengtian - Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết tình trạng lãng phí lương thực của Trung Quốc là đáng kinh ngạc và không thể thay đổi bằng cách nào khác ngoài cách ra luật cấm.
“Sẽ rất khó để hạn chế lãng phí thực phẩm thông qua ý thức của người dân hoặc các chiến dịch của tổ chức phi chính phủ. Nhận thức và hành vi có thể được thay đổi theo luật, giống như việc phân loại rác thải ở nhiều thành phố” - ông Fengtian nhận định.
Một cuộc điều tra vào năm 2018 của Viện Nghiên cứu địa lý và tài nguyên quốc gia và quỹ thiên nhiên toàn cầu ước tính người tiêu dùng Trung Quốc ở bốn thành phố lớn đã lãng phí 17 đến 18 triệu tấn thực phẩm chỉ trong năm 2015. Số thực phẩm này đủ để nuôi sống 30 đến 50 triệu người một năm.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, một cuộc khảo sát trên 195 nhà hàng ở TP Bắc Kinh, TP Thượng Hải, TP Thành Đô và TP Thành Quan cho thấy mỗi người Trung Quốc lãng phí khoảng 93 g thức ăn trong mỗi bữa ăn. Con số này tương đương với 12% lượng thức ăn mỗi bữa.
Đăng video lãng phí thức ăn sẽ bị cấm
Đầu năm nay, ông Tập đã kêu gọi các quan chức địa phương của Trung Quốc thắt lưng buộc bụng và sống tiết kiệm.
“Chúng ta nên luôn có cảm giác khủng hoảng về an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh hậu quả của dịch COVID-19, bất chấp việc Trung Quốc có vụ thu hoạch bội thu liên tiếp trong những năm gần đây" - ông Tập phát biểu.
Những đoạn video ăn uống thường bị truyền thông và không ít người xem tại nước này chỉ trích vì lãng phí thức ăn. Ảnh: SCMP
Vấn đề an ninh lương thực đi kèm với những bất ổn về sản xuất và buôn bán lương thực trên toàn thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra và làm xấu đi mối quan hệ Trung - Mỹ, mặc dù dữ liệu cho thấy Trung Quốc hiện không phải đối mặt với khủng hoảng lương thực.
Tân Hoa xã ngày 16-7 cũng đưa tin rằng sản lượng ngũ cốc trong mùa hè này đã đạt mức cao kỷ lục là 143 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 5, Cục dự trữ chiến lược lương thực quốc gia đã phát hiện ra rằng tồn kho ngũ cốc quốc gia gần đạt mức kỷ lục và lượng lương thực dự trữ đủ để nuôi sống 1,4 tỉ dân trong hơn một năm.
Các TP Vũ Hán, Phúc Châu và Tây An đã thực hiện các chiến dịch khuyến nghị các nhóm thực khách nên gọi số lượng thức ăn ít hơn bình thường.
Các ứng dụng chia sẻ video như Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) và Kuaishou hôm 12-8 cũng tuyên bố rằng họ sẽ xóa bài đăng hoặc đóng tài khoản người dùng nào đó đăng video họ ăn quá nhiều lên các ứng dụng.