Trung Quốc tiếp tục xây sân bay trên đá Subi

Báo Washington Post của Mỹ ngày 11-9 (giờ địa phương) đã đăng bài viết với đầu đề “Hoạt động của Trung Quốc ở biển Hoa Nam gây rắc rối cho ông Obama”.

Mở rộng đường băng trên đá Subi

Bài viết ghi nhận Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng sân bay trên đá Subi và đá Vành Khăn trên vùng biển tranh chấp ở biển Đông ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Mỹ vào ngày 24-9 tới.

Bằng chứng là các bức ảnh vệ tinh thương mại đã được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) mới công bố vào ngày 8-9.

Ảnh vệ tinh cho thấy trên đá Subi, Trung Quốc đã san lấp, cán và trải đá trên đường băng quân sự. Khu vực san lấp rộng khoảng 200 feet (60,96 m) và dài gần 1,4 dặm (2.025 m).

Báo Washington Post cho biết các chuyên gia Trung Quốc xem qua ảnh vệ tinh đều nhận xét đường băng sẽ còn được mở rộng và trải nhựa.

Ảnh vệ tinh cũng cho thấy trên đá Vành Khăn, Trung Quốc đã bắt đầu xây một bức tường gia cố dài gần 2 dặm (3.210 m). Các chuyên gia nhận xét đây là công đoạn Trung Quốc đã từng tiến hành trước đó trên đá Subia và đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) để xây dựng sân bay.

Song song theo đó, tối 10-9, tạp chí The Diplomat của Nhật cũng đã công bố hình ảnh vệ tinh chụp ngày 3-9 cho thấy hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên đá Subi.

Báo Washington Post bình luận công trình xây dựng mới của Trung Quốc trên biển Đông sẽ gây căng thẳng cho cuộc hội đàm sắp tới giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ảnh vệ tinh trên đá Subi ngày 18-7 (trên) và ngày 3-9 (dưới) cho thấy Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất. Ảnh: VICTOR ROBERT LEE, DIGITALGLOBE

Thách thức mới với Nhà Trắng

Mỹ đã yêu cầu Bắc Kinh dừng bồi đắp xây đảo nhân tạo trên biển Đông. Hồi tháng 8, Trung Quốc cũng đã tuyên bố dừng cải tạo xây đảo nhân tạo trên biển Đông. Ấy vậy mà hình ảnh vệ tinh đã chứng minh Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo.

Chuyên gia Michael J. Green, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nguyên cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét: “Khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố cơ bản đã dừng công việc (cải tạo đất), rõ ràng là họ đã không làm như thế”.

Ông ghi nhận: “Đây là một thách thức đối với Nhà Trắng… Phải nói sao về vấn đề này? Họ đã nói “không quân sự hóa các đảo” và Trung Quốc sắp làm bằng mọi giá. Họ nói “không nên tiếp tục xây dựng” thì đương nhiên Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục”.

Ông Michael J. Green nói các viên chức Trung Quốc đã nói riêng với ông rằng Trung Quốc đã dự tính quân sự hóa các đảo, đá với máy bay, vũ khí phòng không và tàu chiến. Họ nói như vậy không quân Trung Quốc mới có thể kiểm soát không phận trên biển Đông.

Ông Michael J. Green ghi nhận Mỹ đã chủ trương chính sách tự do hàng hải và bay qua trên biển Đông, như vậy tình hình sắp tới sẽ còn phức tạp.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban tuyên bố: “Chúng tôi đã ghi nhận tuyên bố hồi tháng 8 của Trung Quốc về việc dừng cải tạo đất. Trong khi đó, Trung Quốc lại giữ ý định xây dựng thêm nhiều cấu trúc khác, trong đó có cấu trúc phục vụ mục đích quân sự”. Người phát ngôn đề nghị Trung Quốc phải dừng cải tạo đất và Mỹ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Cách duy nhất để giảm bớt căng thẳng là ngừng các hoạt động đơn phương gây bất ổn… Ý đồ của Trung Quốc tiếp tục xây dựng không làm giảm bớt căng thẳng hoặc không dẫn đến một giải pháp ngoại giao có ý nghĩa”.

Điều trần ở Ủy ban Quân lực

Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã dự kiến sẽ tổ chức điều trần về tình hình Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Tham gia điều trần có Thứ trưởng Quốc phòng David Shear (phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương) và Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, tuyên bố: “Nếu Trung Quốc xây dựng thêm hai sân bay trên đá Subi và đá Vành Khăn, điều này chứng tỏ hai việc… Đầu tiên là tình hình cải tạo đất vẫn tiếp tục mặc dù Bắc Kinh nói khác. Thứ hai là Bắc Kinh bộc lộ ý đồ rõ ràng muốn quân sự hóa quần đảo Trường Sa với sức mạnh phòng không bằng cách sử dụng ba đảo nhân tạo khác nhau… Nhiều đá này trong quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp”.

Ông nhấn mạnh với các radar và tên lửa đất đối không, Trung Quốc có khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không và duy trì tình hình biển Đông theo ý đồ của Trung Quốc.

Hồi tháng 7, Đô đốc Harry B. Harris Jr. đã từng phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen: “Trung Quốc đang thay đổi nguyên trạng, chủ yếu là xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô, đá và mỏm ngầm”.

Ông nhấn mạnh: “Tôi tin rằng hành động của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền có thể gây hậu quả nặng nề đối với an ninh và kinh tế của Mỹ bằng cách làm rối loạn các quy định và chuẩn mực quốc tế mà cộng đồng quốc tế đã thực hiện từ nhiều thập niên”.

Dương Khiết Trì nhắc khéo Mỹ

Báo Washington Post nhận xét sự kiện Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông xảy ra trùng hợp với một sự kiện chưa từng thấy. Năm tàu hải quân Trung Quốc đi qua biển Bering gần bờ biển bang Alaska vào đúng lúc Tổng thống Obama viếng thăm bang này.

Báo dẫn lời một chuyên gia Mỹ giấu tên cho rằng các tàu hải quân Trung Quốc có thể đang trên đường trở về từ cuộc tập trận chung với hải quân Nga trên Địa Trung Hải.

Ngày 3-9, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố các tàu Trung Quốc hoạt động trên vùng biển quốc tế và không có dấu hiệu cho thấy hoạt động của các tàu này đe dọa nước Mỹ.

Trong khi đó, hãng tin UPI (Mỹ) đưa tin trả lời báo China Daily (Trung Quốc) hôm 11-9 về chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng Mỹ không nên can thiệp vào vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Ông nói Trung Quốc đã cam kết giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải và nhiều tranh chấp khác, vậy nên nước khác đừng xen vào. Ông khẳng định Mỹ và Trung Quốc vẫn cần hợp tác chặt chẽ dù có xảy ra vấn đề tin tặc hay các bất đồng khác.

Philippines sợ Trung Quốc phong tỏa đường biển

Trang tin International Business Times (Mỹ) ngày 11-9 đưa tin hình ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy Trung Quốc đã có bước phát triển mới đáng kể trong xây dựng đường băng trên đá Subi vốn là khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Trang tin này nhận định một khi công trình xây dựng hoàn thành sẽ cung cấp lợi thế về quân sự cho Trung Quốc. Đường băng sẽ có chiều dài cuối cùng là 3.300 m và hoàn toàn phù hợp với hầu hết máy bay chiến đấu và hậu cần của Trung Quốc. Công trình xây đường băng trên đá Subi là công trình thứ ba xây trên các đảo nhân tạo.

Trong khi đó, báo Philippine Star (Philippines) cho rằng dự án cải tạo đất của Trung Quốc trên đá Subi sẽ cải thiện đáng kể năng lực của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh chống tàu ngầm. Báo nhận định theo phân tích của các chuyên gia, các cơ sở quân sự mới xây dựng của Trung Quốc trên biển Đông làm gia tăng khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

Nhà sử học quân sự José Custodio nhận định đá Subi chỉ cách đảo Thị Tứ (Philippines chiếm đóng) 12 hải lý và nếu Trung Quốc đưa cơ sở quân sự trên đá Subi vào hoạt động thì Trung Quốc có thể phong tỏa khu vực, máy bay lên xuống đảo Thị Tứ có thể sẽ bị cấm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới