Trung tâm Đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam sắp đi vào hoạt động

(PLO)- Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Hòa Lạc, không gian kết nối sáng tạo lớn nhất Việt Nam, sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10 tới.

Sau 4 năm được Thủ tướng quyết định thành lập, tháng 10 tới, Trung tâm Đối mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ ra mắt cơ sở lớn tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Đây sẽ là không gian phục vụ các hoạt động đổi mới sáng tạo được Chính phủ ưu đãi, bên cạnh trụ sở hành chính của NIC trong nội thành Hà Nội.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở tại Hòa Lạc, Hà Nội.

NIC là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trực thuộc Bộ KH&ĐT. Quyết định thành lập NIC nằm trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Cùng với quyết định thành lập năm 2019, Chính phủ còn ban hành riêng Nghị định 94/2020/NĐ-CP về cơ chế, chính sách ưu đãi cho NIC, chuyên gia nước ngoài, chuyên gia gốc Việt, cũng như các dự án khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm…

Tại cuộc họp báo sáng nay, 15-8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết cơ sở Hoà Lạc của NIC có quy mô hiện đại và trang thiết bị tiên tiến, gồm các không gian làm việc, nghiên cứu và phát triển và không gian kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động đổi mới sáng tạo, hội thảo, diễn đàn nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ.

Với đầu tư lớn này, Chính phủ hi vọng NIC sẽ thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ lớn, các tổ chức hỗ trợ và đội ngũ chuyên gia trí thức trong và ngoài nước.

Dự kiến NIC sẽ khánh thành ngày 28-10 và cùng với đó là hoạt động đầu tiên Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) từ 28-10 đến 1-11. Thủ tướng sẽ tham dự sự kiện này.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông giới thiệu về Triển lãm Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 - hoạt động đầu tiên của NIC ngay sau khi khánh thành.

Triển lãm sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm mà NIC ưu tiên, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế.

Trong khuôn VIIE 2023, nhiều hoạt động cũng sẽ được tổ chức như các hội thảo quốc tế về ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng hydrogen, công nghiệp game; diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VVS); Ngày hội STEAM; Chương trình Better Choice...

“Đây là sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái, gồm các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu - trường đại học, mạng lưới chuyên gia - trí thức, quỹ đầu tư, các tổ chức tư vấn, hỗ trợ đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Bày tỏ sự quan tâm, ông Huỳnh Thành Công, Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết đơn vị đào tạo này đang muốn kết nối chặt chẽ hơn với NIC cũng như với các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp công nghệ. Bản thân Đại học Quốc gia TP.HCm cũng đang hoàn thiện đề án về xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của riêng mình.

Đại học Quốc gia Hà Nội được Chính phủ giao quản lý, phát triển một khu vực rộng lớn ở Hòa Lạc cho biết nhiều sinh viên của trường đã tham gia hoạt động của NIC, qua đó nhận được nhiều suất học bổng của các nhà tài trợ là những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Trung Hiển, Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Với đội ngũ gồm các nhà khoa học hàng đầu, hơn 60.000 sinh viên và 1.000 nghiên cứu sinh, cùng định hướng chiến lược trở thành cơ sở giáo dục uy tín tích cực đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội rất quan tâm đến các hoạt động sắp tới của NIC, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công nghiệp bán dẫn, Hydrogen xanh…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới