Chiều 30-12, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết thông tin trên.
Theo bà Mai, công tác quản lý ATTP của TP.HCM trong thời gian qua đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần được giải quyết trong thời gian tới.
“Ban Quản lý ATTP được thành lập nhằm kiểm soát chặt ATTP từ khâu nuôi trồng đến bàn ăn và ngăn chặn thực phẩm bẩn trên địa bàn TP” - bà Mai nói.
Cơ quan chức năng TP.HCM lấy mẫu thịt bò bơm nước xét nghiệm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bà Mai cho biết khi chính thức đi vào hoạt động, Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ triển khai một số nội dung trọng tâm. “Cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động cung cấp dịch vụ công là việc mà ban quản lý sẽ làm. Ban sẽ triển khai hồ sơ trực tuyến trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hồ sơ công bố hợp quy… để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp” - bà Mai cho biết thêm.
Theo bà Mai, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông về ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đưa tin các sản phẩm và cơ sở cung cấp thực phẩm không an toàn. Đồng thời giới thiệu các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn để người tiêu dùng lựa chọn.
Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM lấy mẫu rau phân tích dư lượng thuốc trừ sâu. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp địa phương kiểm soát các chốt chặn ở cửa ngõ để ngăn chặn thực phẩm bẩn đưa vào TP tiêu thụ cũng là nội dung mà ban quản lý sẽ làm” - bà Mai nói.
Cũng theo bà Mai, Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát ATTP tại ba chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không an toàn, kể cả thực phẩm ngoài tỉnh và nhập khẩu.
“Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các đề án đột phá của TP.HCM như “xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn TP”, “quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo”. Năm 2017 sẽ mở rộng đối tượng truy xuất nguồn gốc trên gia cầm và rau, củ, quả” - bà Mai nhấn mạnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất thực phẩm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bà Mai còn cho biết Ban Quản lý ATTP TP.HCM nhanh chóng triển khai đề án thành lập Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hóa chất TP.HCM tại phường 7 (quận 8) và dự kiến cuối năm 2017 sẽ đi vào hoạt động.
“Các hoạt động kinh doanh hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm hiện nay sẽ được vận động di dời toàn bộ vào Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hóa chất TP.HCM để được quản lý, kiểm soát chặt về điều kiện kinh doanh, ATTP và an toàn cháy nổ” - bà Mai nói.
Bà Mai cho biết thêm Ban Quản lý ATTP TP.HCM tiếp tục phối hợp với các quận, huyện triển khai mô hình điểm thức ăn đường phố ở các phường, xã. Vận động và nhân rộng việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP. GlobalGAP, GMP, HACCP, ISO-22000…) trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm, trong cơ sở chế biến thức ăn sẵn và bếp ăn tập thể cung cấp trên 500 suất ăn/lần phục vụ trên địa bàn TP.HCM.
“Tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn TP cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ làm” - bà Mai cho biết.