Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thành Đại học Bách Khoa có gì khác?

(PLO)- Việc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được chuyển từ "trường" thành "đại học" khiến dư luận khá tò mò và thắc mắc liệu đổi tên thì bản chất có gì khác. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ vừa có quyết định về việc chuyển Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Đây là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan.

Trường Đại học Bách Khoa chuyển thành Đại học Bách Khoa phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định. Ảnh: CTV

Trường Đại học Bách Khoa chuyển thành Đại học Bách Khoa phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định. Ảnh: CTV

Thủ tướng yêu cầu quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng đại học, công nhận Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trước thông tin Trường Đại học Bách Bách Khoa chuyển từ trường lên đại học, nhiều người khá tò mò và thắc mắc về hai cụm từ trên. Bởi theo nhiều người bản chất của các tên gọi không thay đổi.

Dù vậy, theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

Trường đại đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Như vậy, sự khác biệt về đại học và trường đại học không chỉ là tên gọi mà còn đi kèm theo là cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, các đơn vị trong trường đại học khi chuyển thành đại học phải có năng lực tự chủ cao hơn, năng lực quản trị, quản lý của cả trường và từng đơn vị phải tốt và hiệu quả hơn.

Về nguyên tắc sau khi chuyển đổi, chất lượng đào tạo của toàn "đại học" phải được nâng cao trên cơ sở phát huy nguồn lực dùng chung để đào tạo và nghiên cứu liên ngành; đủ để thực hiện sứ mệnh của đại học là giải quyết những nhiệm vụ lớn để phục vụ cộng đồng, vùng và đất nước...

Việt Nam hiện đang có 2 ĐH Quốc gia: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, 3 ĐH Vùng: ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên; 01 Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm