Theo đề án tuyển sinh năm 2023 các trường đại học (ĐH) đã công bố, bên cạnh chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm…, những thông tin về chi phí đào tạo và doanh thu hợp pháp của trường ở năm trước liền kề năm tuyển sinh cũng được nhiều trường thông tin cụ thể.
Tại TP.HCM, nhiều trường ĐH công lập có nguồn thu hợp pháp/năm cao, thậm chí có trường doanh thu năm 2022 trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu từ học phí, chuyển giao công nghệ...
Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TP.HCMnăm 2023 dự kiến tuyển gần 8.300 chỉ tiêu ĐH chính quy. Trong đó cơ sở TP.HCM là 7.650 chỉ tiêu với 51 chương trình đào tạo, còn lại là phân hiệu tỉnh Vĩnh Long với 15 chương trình.
Năm học 2023-2024, trường dự kiến học phí chương trình chuẩn là 940 ngàn đồng/tín chỉ, năm học 2024-2025 là 1,1 triệu đồng/năm học, năm 2025-2026 là 1,240 ngàn đồng và năm học 2026-2027 là 1,4 triệu đồng.
Đối với học phần tiếng Anh, học phí bằng 1,4 lần mức trên, các học phần thực hành/đồ án/thực tế…., học phí bằng 1,2 lần học phí lý thuyết.
Trường cũng thông tin, tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm ở năm 2022 là 30 triệu đồng/năm. Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là hơn 1.189 tỷ đồng.
Được biết, đây cũng là một trong 5 trường đạt doanh thu trên một nghìn tỉ đồng/năm của cả nước mà Bộ GD&ĐT thống kê trong năm 2022.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC |
Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tổng nguồn thu năm 2022 cũng hơn 1.051 tỷ đồng. Chi phí đào tạo một sinh viên/năm là 18,69 triệu đồng.
Năm nay, trường sẽ tuyển 6.000 chỉ tiêu cho 39 ngành học. Học phí hiện tại trường đang thu ở chương trình tiêu chuẩn từ 11,55 đến 25,3 triệu đồng/học kỳ; chương trình chất lượng cao từ khoảng 20 đến 24,2 triệu đồng/học kỳ.
Cũng có doanh thu ở top cao là Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm ở năm 2022 là 31,875 triệu đồng/năm. Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là hơn 885,8 tỷ đồng.
Được biết, năm nay, trường dự kiến tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu. Học phí dự kiến cho năm học tới là 30 triệu đồng/năm đối với sinh viên hệ đại trà và 80 triệu đồng/năm với chương trình chất lượng cao, tiên tiến.
Chương trình chuyển tiếp Quốc tế (Úc, New Zealand), 2-2,5 năm đầu học tại trường ở TP.HCM với học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ, còn 2-2,5 năm cuối - chuyển tiếp sang ĐH đối tác Úc/ New Zealand, học phí khoảng 566-807 triệu đồng/năm.
Chương trình chuyển tiếp Quốc tế (Nhật Bản), học 2,5 năm đầu tại trường ở TP.HCM có học phí khoảng 30 triệu đồng/học kỳ. Hai năm cuối chuyển tiếp sang ĐH đối tác Nhật với học phí khoảng 112 triệu đồng/năm.
Theo đề án của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2023, tổng nguồn thu/năm 2022 là 784,664 tỷ đồng. Chi phí đào tạo một sinh viên/năm là 24,33 triệu đồng.
Hiện học phí hệ đại trà dự kiến cho năm tới của trường là 13-16,25 triệu đồng/học kỳ, tùy ngành. Hệ chất lượng cao tiếng Việt là 20,8 đến 23,2 triệu đồng/học kỳ; Hệ chất lượng cao tiếng Anh từ 23,4 đến 26,1 triệu đồng/học kỳ.
Tương tự, Trường ĐH Y Dược TP.HCM có tổng nguồn thu hợp pháp của trường trong năm 2022 là hơn 530 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm là hơn 31 triệu đồng.
Năm nay, trường dự kiến xét tuyển 2.415 chỉ tiêu. Học phí dự kiến cho năm học 2023-2024 với sinh viên hệ ĐH chính quy từ 4,18-7,7 triệu đồng/tháng.
Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất, lên đến 7,7 triệu đồng/tháng. Kế đến là ngành y khoa với mức học phí 7,48 triệu đồng/tháng. Trường cũng dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có tổng nguồn thu năm 2022 là gần 504 tỷ đồng. Chi phí đào tạo một sinh viên/năm là 46,67 triệu đồng.
Ở năm đầu tiên thực hiện tự chủ, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) có doanh thu/năm ở năm 2023 là 303 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm là 23 triệu đồng.
Học phí trường dự kiến cho năm học tới từ 13-22 triệu đồng/năm ở nhóm ngành KHXH&NV; nhóm ngành du lịch và ngôn ngữ từ 15,6-26,4 triệu đồng/năm học; chương trình chất lượng cao khoảng 60 triệu đồng/năm.
Còn với Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), theo công bố mới đây của trường, tổng nguồn thu năm 2022 là 172 tỷ đồng. Chi phí đào tạo một sinh viên/năm là 43 triệu đồng.
Top 10 trường đại học có doanh thu cao nhất cả nước
Báo cáo tại Hội nghị tự chủ ĐH diễn ra tháng 8-2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, cả nước có 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH.
Nhờ việc tự chủ, hiện có 5 trường đạt doanh thu trên một nghìn tỉ đồng một năm, gồm: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Ngoài ra, 5 trường ĐH khác cũng có tổng doanh thu cao nhất ở top 10 theo khảo sát của Bộ GD&ĐT là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.