Học phí những trường đại học ngoài công lập tại TP.HCM cao mức nào?

(PLO)- Nhóm ngành sức khỏe có học phí cao nhất ở những trường đại học ngoài công lập tại TP.HCM, có ngành 160-180 triệu đồng/học kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với các trường đại học (ĐH) công lập, một số trường ĐH tư tại TP.HCM cũng bắt đầu công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho tân sinh viên khóa tuyển sinh năm 2023. Cạnh đó, nhiều trường chưa công bố cụ thể nhưng theo lộ trình dự kiến điều chỉnh tăng 8-10% so với năm 2022.

Cụ thể như sau:

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH):

Dự kiến năm 2023 học phí các ngành bình quân khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ (riêng ngành Dược học phí bình quân khoảng 18-20 triệu đồng/học kỳ)

Học phí các ngành được tài trợ Học bổng doanh nghiệp bình quân khoảng 11-12 triệu đồng/học kỳ.

Được biết, chương trình đào tạo đại học chính quy toàn khóa có thời lượng 11 học kỳ (3.5 năm) đối với ngành đào tạo cử nhân, 12 học kỳ (4 năm) đối với ngành đào tạo kỹ sư, kiến trúc sư và 14 học kỳ (5 năm) đối với ngành đào tạo dược sĩ.

Đối với hệ ĐH đặc thù, mức học phí bình quân như sau:

- Chương trình Việt - Nhật: khoảng 18-20 triệu đồng/học kỳ

- Chương trình Việt - Hàn: khoảng 18-20 triệu đồng/học kỳ

- Chương trình Quốc tế: khoảng 20-22 triệu đồng/học kỳ

Trường ĐH Hồng Bàng:

Trường dự kiến học phí với chương trình cử nhân: Răng hàm mặt và Y đa khoa: 180 triệu đồng/năm học/3 học kỳ; Ngành y học cổ truyền 90 triệu đồng/năm/3 học kỳ; ngành Dược học 60 triệu đồng/năm/3 học kỳ; Các ngành khác 55 triệu đồng/năm/3 học kỳ.

Chương trình tiếng Anh: ngành răng hàm mặt và y đa khoa 220 triệu đồng/năm/3 học kỳ; ngành dược học 100 triệu đồng/năm/3 học kỳ; các ngành khác 100 triệu đồng/năm/3 học kỳ.

Trường ĐH Hoa Sen:

Có 28 ngành học hệ chính quy tập trung. Trong đó, nhóm ngành thiết kế – nghệ thuật (quản trị công nghệ truyền thông, quan hệ công chúng, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, nghệ thuật số, phim): học phí 86 triệu đồng/năm học.

Các ngành còn lại dự kiến 70-75 triệu đồng/năm học.

Sinh viên Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM trong một giờ học. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM trong một giờ học. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Văn Lang:

Mức học phí khoá K29 (khóa năm 2023) đối với chương trình đào tạo tiêu chuẩn dự kiến giao động từ 22 triệu đồng – 32 triệu đồng/học kỳ.

Đối với chương trình đào tạo đặc biệt học phí dự tính vào khoảng 40– 60 triệu đồng/học kỳ.

Riêng đối với ngành răng – hàm – mặt sẽ có mức học phí khoảng 80 triệu đồng – 90 triệu đồng/học kỳ.

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF):

Học phí bình quân trường đang áp dụng: 18 - 20 triệu đồng/học kỳ.

Trường ĐH Gia Định:

Học phí 12,5 triệu/học kỳ đối với chương trình đại trà và 25 triệu/học kỳ đối với chương trình tài năng, cùng thời gian đào tạo 3 năm (8 học kỳ).

Trường ĐH FPT tại TP.HCM:

Học phí được tính theo từng học kỳ. Một năm học sẽ có 3 học kỳ: Fall – Spring – Summer bắt đầu vào tháng 9 – tháng 1 – tháng 5. Mỗi học kỳ kéo dài trong 4 tháng. Số lần nộp học phí được công bố tại thời điểm tuyển sinh không thay đổi trong suốt quá trình học. Mỗi sinh viên sẽ đóng các khoản học phí như sau:

- Học phần định hướng dành cho tân sinh viên khóa 2023: 11,9 triệu đồng/sinh viên.

- Sáu học phần tiếng Anh, mỗi học phần 11,9 triệu đồng.

- Chín học kỳ/khóa học, mỗi học kỳ 28,7 triệu đồng/sinh viên.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:

Mức học phí hiện tại ở trường như sau:

- Nhóm ngành sức khỏe: cao nhất là Y khoa hơn 600 triệu đồng/khóa học; các ngành còn lại từ khoảng 150-300 triệu đồng/khóa. Tính theo học kỳ, 12-15 triệu đồng/học kỳ.

- Nhóm ngành kinh tế quản trị: từ hơn 123-147 triệu đồng/khóa học.

- Nhóm ngành xã hội – nhân văn: cao nhất là 4 ngành Đông phương học, quan hệ công chúng và ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung quốc, học phí trên dưới 140 triệu đồng/khóa. Các ngành còn lại từ 112 đến hơn 132 triệu đồng/khóa học.

- Nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: cao nhất là vật lý y khoa với gần 170 triệu đồng/khóa học, kế đến là kỹ thuật y sinh gần 150 triệu đồng/khóa học, kiến trúc hơn 142 triệu đồng/khóa. Các ngành còn lại chỉ hơn 104 đến 114 triệu đồng/khóa.

- Nhóm ngành nghệ thuật: từ hơn 132 đến gần 162 triệu đồng/khóa, cao nhất là ngành truyền thông đa phương tiện.

Trường ĐH Văn Hiến:

Mức học phí trường đang áp dụng được chia thành 6 nhóm ngành học. Cụ thể:

Nhóm 1, gồm Ngôn ngữ Pháp, Việt Nam học, Văn hóa học: học phí 99 triệu đồng/khóa (hơn 8,8 triệu đồng/học kỳ, 12 tín chỉ).

Nhóm 2, gồm Văn học, Xã hội học, Công nghệ sinh học: 119 triệu đồng/khóa (hơn 10,6 triệu đồng/học kỳ).

Nhóm 3, gồm tâm lý học, khoa học máy tính, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, marketing, kinh tế, công nghệ thực phẩm, truyền thông đa phương tiện, luật, quan hệ công chúng: 129 triệu đồng/toàn khóa.

Nhóm 4, gồm quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, du lịch, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc, đông phương học, thanh nhạc, Piano, công nghệ thông tin: 139 triệu đồng/toàn khóa.

Nhóm 5, gồm kỹ thuật điện tử - viễn thông: 139 triệu đồng/toàn khóa

Nhóm 6, gồm thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng: 149 triệu đồng/toàn khóa.

Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM (UMT):

Trường có 7 ngành học, học phí hiện tại dao động khoảng từ 8.200.000 – 8.400.000 đồng/tháng.

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM:

Học phí hiện tại khoảng 800.000 đồng/tín chỉ, một năm học khoảng 25-28 triệu đồng/sinh viên.

Trường ĐH Ngoại ngữ và tin học TP.HCM (HUTLIT):

Học phí hiện tại khoảng 1.100.000 đồng/tín chỉ, một năm học dao động khoảng 43-50 triệu đồng/sinh viên, tùy số tín chỉ.

Trong đó, nhóm ngành có học phí cao là ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng, Kế toán…

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU):

Học phí hiện tại áp dụng cho Chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt có hai mức:

- Nhóm ngành quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, tâm lý học, ngôn ngữ Anh, Kế toán: 28,408 triệu đồng/học kỳ hoặc 52,0752 triệu đồng/năm học.

- Nhóm ngành khoa học máy tính, Luật kinh tế: 30,834 triệu đồng/học kỳ hoặc 58,4846 triệu đồng/năm học.

Học phí Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, cũng gồm hai mức:

- Nhóm ngành quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, tâm lý học, ngôn ngữ Anh, Kế toán: 65,094 triệu đồng/học kỳ hoặc hơn 123,6 triệu đồng/năm học.

- Nhóm ngành khoa học máy tính, Luật kinh tế: 80,804 triệu đồng/học kỳ hoặc hơn 134,5 triệu đồng/năm học.

Ngoài ra, tân sinh viên còn phải đóng thêm các khoản phí khác như đồng phục thể dục, đồng phục sự kiện, giáo trình tiếng Anh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm