Trường đại học thấp thỏm giữ chân thí sinh

(PLO)-  Nhiều trường đại học đã “bội thu” thí sinh xét tuyển ở các phương thức riêng nhưng chưa biết kết quả sẽ như thế nào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trong những thay đổi lớn nhất mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 là Bộ GD&ĐT dự kiến thực hiện lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, đến nay bộ vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh chính thức khiến các trường ĐH, thí sinh (TS) dù vẫn đang triển khai nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức riêng như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực… nhưng không khỏi thấp thỏm, lo lắng.

Thí sinh “đua” đăng ký xét tuyển riêng

Thông tin từ phía Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dù đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh ĐH chính thức nhưng trường cũng đã hoàn tất nhận hồ sơ xét học bạ, tuyển thẳng và điểm thi đánh giá năng lực theo kế hoạch trước đó. Trong đó, ở phương thức xét học bạ, trường đã nhận được đăng ký của hơn 27.600 TS với hơn 75.600 nguyện vọng xét tuyển, cao hơn năm ngoái đến 25.000 nguyện vọng.

Phụ huynh, thí sinh đến Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đăng ký xét tuyển năm 2022. Ảnh: THÁI SƠN

Phụ huynh, thí sinh đến Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đăng ký
xét tuyển năm 2022. Ảnh: THÁI SƠN

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay cũng tuyển sinh theo bốn phương thức chính.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh của trường, cho biết trường đang chờ quy chế chính thức từ Bộ GD&ĐT để có lộ trình tuyển sinh phù hợp, thông tin sớm cho TS, phụ huynh yên tâm.

Còn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến dành 20% tổng chỉ tiêu cho xét học bạ, 5% tổng chỉ tiêu cho phương thức điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Hai phương thức này hiện tại đã có nhiều lượt TS đăng ký. Riêng phương thức học bạ, trường đã nhận 1.200 hồ sơ…

Nâng cấp phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ GD&ĐT đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho TS trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chế sai sót và hỗ trợ các cơ sở đào tạo khi xét tuyển.

Vừa giữ chân thí sinh vừa ngóng quy chế

Theo quy định tại dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022 mà Bộ GD&ĐT đã công bố, các trường không được yêu cầu TS xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của Bộ GD&ĐT, mà chỉ được phép công bố và tải danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

TS đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ để lọc ảo và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Thay đổi này được đánh giá sẽ đảm bảo quyền lợi cho TS, hạn chế việc TS trúng tuyển nhiều phương thức. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có quy chế chính thức từ Bộ GD&ĐT khiến các trường không khỏi lo lắng làm sao để tuyển đủ TS sớm nhất có thể.

Theo ThS Đặng Thế Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, năm nay trường vẫn duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm trước là xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế tuyển sinh khiến trường gặp khá nhiều khó khăn vì ở phương thức nào cũng phải phụ thuộc kết quả thi tốt nghiệp THPT và hệ thống lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT. Như vậy, công tác sẽ dồn hết vào cuối tháng 9 khiến trường khá cập rập, bị động trong tuyển sinh cũng như kế hoạch bắt đầu năm học mới.

Còn với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương cũng cho rằng trong khi chờ quy chế tuyển sinh, hiện tại trường cũng đang thực hiện theo hướng “các TS đủ điều kiện về điểm xét trúng tuyển vào trường sẽ được thuộc diện “trúng tuyển có điều kiện””. Những TS này phải tuân thủ theo các quy định xét tuyển theo quy chế tuyển sinh chính thức và dự kiến tháng 8 mới có kết quả chính thức nên thời gian nhập học sẽ chậm hơn kế hoạch ban đầu.

Đại diện phụ trách tuyển sinh tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM bày tỏ việc bộ chưa công bố quy chế tuyển sinh là quá chậm trễ. Bởi chỉ còn một tháng nữa là thi tốt nghiệp THPT, TS đã hoàn tất chương trình phổ thông và hiện nay đã đăng ký hồ sơ xét tuyển ở rất nhiều trường, nhiều ngành học. Như vậy, nếu chờ có kết quả thi tốt nghiệp THPT xong, lượng dữ liệu của TS phải tải lên hệ thống lọc ảo rất lớn.

Các cơ sở đào tạo được xét tuyển sớm

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022, cả nước có hơn 1 triệu TS đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, gần 86% TS dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH-CĐ.

Về xét tuyển ĐH, trao đổi với báo chí, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho rằng có khoảng 20 phương thức xét tuyển ĐH.

Theo bộ, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm, quyết định điểm trúng tuyển và thông báo danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho TS. Đồng thời phải nhập dữ liệu TS trúng tuyển tạm thời (bằng các phương thức) lên hệ thống đăng ký xét tuyển của bộ để “lọc ảo”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm