Ngày 24-10, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thông tin chính thức về đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học vừa được Hội đồng Đại học ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua.
Theo đề án này, Trường ĐH KHXH&NV sẽ bắt đầu thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động từ năm 2022. Loại hình tự chủ là đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo chi thường xuyên, tức nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí không thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển.
Theo quan điểm của trường này, việc thực hiện cơ chế tự chủ sẽ gắn liền với trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội và các cấp quản lý. Cơ chế này nhằm đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục một cách đa dạng cho người học. Trong đó, chú trọng đến người học có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện kinh tế. Đồng thời, đảm bảo hài hoà giữa việc đào tạo các ngành học có nhu cầu xã hội cao với các ngành học đặc thù được đào tạo theo nhiệm vụ chính trị, phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước và là các ngành khó tuyển.
Các nội dung tự chủ gồm: Quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; quyền tự chủ về tài chính và tài sản.
Đáng chú ý trong đề án này và được nhiều người quan tâm nhất là vấn đề học phí của trường khi bắt đầu thực hiện tự chủ.
Theo thông tin từ trường, trường sẽ tự chủ xác định mức học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Mức học phí năm học 2022-2023 sẽ áp dụng hai mức. Cụ thể, nhóm ngành Khoa học Xã hội sẽ áp dụng mức thu từ 16 đến 20 triệu đồng/sinh viên/năm học; nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch là từ 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Với hệ văn bằng hai chính quy, văn bằng một vừa làm vừa học... học phí không vượt quá 1,5 lần. Bậc thạc sĩ không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí của chương trình đại trà chuẩn trình độ đại học theo từng nhóm ngành và bậc tiến sĩ không vượt quá 2,5 lần.
Riêng học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) sẽ gấp ba lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Được biết, Trường ĐH KHXH&NV là trường thứ năm của ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện đề án đổi mới cơ chế hoạt động. Bốn trường thành viên trước đó, gồm: Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - luật, Trường ĐH Bách khoa.