Trường ĐH Luật TP.HCM và VIAC ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác

(PLO)- Trường ĐH Luật TP.HCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển giữa hai bên...

Sáng nay (11-4), Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức diễn đàn khoa học “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài”.

Đây là sự kiện trọng điểm, tổng kết toàn chuỗi hoạt động diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024 với chủ điểm chính “Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài”. Chương trình quy tụ nhiều chuyên gia là các luật sư, các Trọng tài viên nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại nói riêng và tư pháp nói chung.

Với sự thống nhất cao, Trường ĐH Luật TP.HCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. Ảnh: YC

Ký kết thỏa thuận hợp tác

Mở đầu, TS Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VIAC) nhận định đi cùng sự phát triển của xã hội, trên đà hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các giao dịch kinh doanh, thương mại ngày càng trở nên khó đoán định hơn với sự tham gia của đa dạng thành phần chủ thể hơn. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC cho thấy, trong năm 2023, tỷ lệ các tranh chấp được giải quyết thông qua trọng tài, hòa giải có xu hướng tăng về số lượng và cả mức độ phức tạp trong tính chất.

Trong đó, có thể thấy rằng, ngoài các bên tham gia tranh chấp, yếu tố "bên thứ ba" dần có tần suất xuất hiện dày đặc hơn, ở nhiều hình thái và vai trò hơn, đồng thời, cũng mang đến nhiều tác động hơn đối với hoạt động tố tụng trọng tài.

Mới đây, Luật Trọng tài thương mại đã được lấy ý kiến và xây dựng sửa đổi, bổ sung gần 14 năm áp dụng. Tuy nhiên, quy định về bên thứ ba vẫn còn được bỏ ngỏ. Ông Lộc hy vọng những hoạt động có ý nghĩa như diễn đàn này sẽ thúc đẩy quá trình sửa đổi luật, thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

TS Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: UL

Nối tiếp chia sẻ, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định, với chức năng là cơ sở đào tạo Luật uy tín, Trường ĐH Luật hoan nghênh sự hợp tác giữa hai đơn vị đối với Chuỗi hoạt động AMS 2024 nói chung và diễn đàn khoa học về Trọng tài “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài" nói riêng.

Theo TS Sơn, riêng trong lĩnh vực hoạt động Trọng tài trường đã cùng VIAC phối hợp triển khai nhiều hoạt động. Trường cũng rất tự hào khi đóng góp cho VIAC một đội ngũ trọng tài viên là các nhà khoa học, giảng viên giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Rất nhiều các thầy cô lãnh đạo trường, lãnh đạo các khoa đang là trọng tài viên VIAC...

TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: UL

Ông Sơn bày tỏ qua quá trình nghiên cứu và thực tiễn kinh nghiệm, rất nhiều ý kiến đóng góp về việc bổ sung, cải thiện cơ chế cho bên thứ ba đã được đưa ra. Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin, đồng thời mở ra diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực trọng tài. Có thể nói, đây là hoạt động ý nghĩa, phát huy được quan hệ hợp tác sâu rộng và cộng hưởng giá trị giữa hai bên.

Tại diễn đàn, với sự thống nhất cao, VIAC và Trường ĐH Luật TP.HCM quyết định ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. Đây tiếp tục là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hai tổ chức đưa ra các ý tưởng, xây dựng các hoạt động, chương trình nhằm phát huy tốt thế mạnh hai bên, cùng với đó là đem đến những thông tin hữu ích, quý giá cho các giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp và luật sư.

Phán quyết trọng tài bị ảnh hưởng bởi bên thứ ba

Tiếp đến, diễn đàn khoa học được triển khai theo hình thức phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung liên quan đến các tác động của bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài.

Mở đầu diễn đàn, PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa (Giám đốc chương trình MPP, Giảng viên trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, Trọng tài viên VIAC) đã có phần dẫn đề “Bên thứ ba” trong quy định pháp luật về trọng tài tại Việt Nam và sự cần thiết bổ sung quy định về chủ thể này”.

Theo ông Nghĩa, trong mối quan hệ “nhằng nhịt” của những mối quan hệ giao dịch trong xã hội – đa biến, đa chủ thể, đa bên, một hợp đồng thể hiện một phần trong mắt xích của cả một chuỗi sự kiện. Trọng tài, với bản chất là một thủ tục riêng tư, không công khai, tự giới hạn giải quyết tranh chấp xung đột song phương giữa các bên có thoả thuận trọng tài.

Với sự phát triển phức tạp của xã hội như hiện nay, yếu tố “bên thứ ba" làm nảy sinh mâu thuẫn tiềm ẩn trong quá trình tố tụng trọng tài. Từ đây, thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xem xét, thiết kế lại cơ chế đối với “bên thứ ba" trong tố tụng trọng tài nhằm xử lý thoả đáng, vừa công bằng, thỏa đáng nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc căn bản của trọng tài.

Quang cảnh diễn đàn khoa học. Ảnh: YC

Ông Đỗ Quốc Đạt (Chánh tòa Kinh tế, TAND TP.HCM) cũng chia sẻ góc nhìn với vai trò là thẩm phán trực tiếp giải quyết những đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Ông Đạt cho biết, hiện nay, Điều 68 Luật Trọng tài thương mại quy định những trường hợp phán quyết bị hủy, trong đó có bao gồm trường hợp tòa án hủy phán quyết trọng tài với lý do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, phán quyết trọng tài chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên tranh chấp, nếu nội dung phán quyết ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của một bên thứ ba, có hai khả năng: (i) phán quyết bị hủy; (ii) phán quyết không thể thi hành được.

Ông Đạt rất chia sẻ với Hội đồng Trọng tài vì trên thực tế, nhiều trường hợp Hội đồng Trọng tài không thể biết được phán quyết có thể ảnh hưởng tới bên thứ ba nếu như các bên không cung cấp thông tin.

Luật sư Đỗ Khôi Nguyên (Luật sư Thành viên YKVN, Trọng tài viên VIAC) thì cho rằng đối chiếu quy định về pháp luật trọng tài tại Việt Nam và đánh giá khả năng tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài của bên thứ ba.

Ông Nguyên dẫn chiếu đến Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại, tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận (lập trước và sau khi tranh chấp xảy ra). Thỏa thuận trọng tài vẫn còn hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp cá nhân tham gia thỏa thuận trọng tài chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức.

Như vậy, hoàn toàn có thể bên thứ ba tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới