Trường ĐH Luật TP.HCM đón nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục

(PLO)- Từ một cơ sở chỉ đào tạo Luật, qua 48 năm, Trường ĐH Luật TP.HCM hiện có 8 khoa chuyên ngành, gần 400 viên chức, người lao động, quy mô đào tạo khoảng 10.000 người học.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 30-3, Trường ĐH Luật TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 48 năm hình thành và phát triển, đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục (chu kỳ 2).

Trường có xuất phát điểm là Trường Cán bộ Tư pháp Trung ương đặt tại TP.HCM từ năm 1976 đến khi chính thức mang tên Trường ĐH Luật TP.HCM vào năm 1996.

Ở những giai đoạn đầu, trường chỉ đào tạo ngành Luật, với đội ngũ cán bộ giảng viên rất khiêm tốn và cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện nay, trường có hai cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại đã đi vào hoạt động, cơ sở thứ ba tại TP.Thủ Đức và Phân hiệu tại Nha Trang cũng đang trong quá trình triển khai, hoàn thành.

Trường hiện có tám khoa chuyên ngành, năm ngành đào tạo trình độ ĐH, năm chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ và nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Về nhân sự, trường có gần 400 viên chức, người lao động, quy mô đào tạo khoảng 10.000 người học.

IMG_20240330_095446.jpg
Niềm vui của các thế hệ nhà giáo gặp nhau trong ngày truyền thống trường. Ảnh: THUẬN VĂN

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường bày tỏ niềm tự hào về 48 năm lịch sử phát triển của trường. Theo ông, hiện nay, cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo luật nhưng Trường ĐH Luật TP.HCM luôn tự hào về chất lượng đào tạo của mình; là một trường ĐH công lập hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ ĐH và sau ĐH; là trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Và đặc biệt là một trong hai trường (cùng với Trường ĐH Luật Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định năm 2022 về thực hiện trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật của cả nước.

IMG_20240330_093917.jpg
Hiệu trưởng, Tiến sĩ Lê Trường Sơn phát biểu. Ảnh: THUẬN VĂN

Tiến sĩ Sơn cho rằng có được vị thế như ngày hôm nay là sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế chính sách của Nhà nước, những nguồn lực và chiến lược phát triển của chính nhà trường, sự tín nhiệm và ủng hộ của xã hội. Đặc biệt là sự đóng góp, đồng lòng, niềm tự hào của các thế hệ viên chức, người lao động và người học.

Cạnh đó, trường luôn lấy chất lượng đào tạo là giá trị cốt lõi tạo nên uy tín và thương hiệu của Trường ĐH Luật TP.HCM hiện nay. Do đó, một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm trường phải làm là giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại buổi lễ, trường vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở (chu kỳ 2). Đồng thời được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành có thời hạn đến tháng 2-2029 với tỷ lệ điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực đạt từ 3,92 - 4,05 điểm, vượt xa so với mức điểm yêu cầu tối thiểu là 3,5 điểm trở lên.

Trường ĐH Luật TP.HCM đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
Tập thể đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM đón nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Ảnh: THUẬN VĂN
truong-dh-luat-tphcm-thanh-lap-7264.jpg
Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM (ở giữa) cùng các đại biểu tham dự buổi lễ chúc mừng 48 năm hình thành và phát triển trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

84 nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ

Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng tổng kết 20 năm đào tạo trình độ tiến sĩ (2004-2024). Theo báo cáo của trường, hiện nay, trường đang triển khai đào tạo tiến sĩ ở 5 ngành (Luật kinh tế; Luật dân sự và tố tụng dân sự; Luật Hiến pháp và luật hành chính; Luật hình sự và tố tụng hình sự; Luật quốc tế).

Qua 20 năm đào tạo, 84 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng. Đa phần, học viên là lực lượng chủ chốt đang công tác giảng dạy, hoạt động nghiên cứu ở các trường ĐH, các Viện nghiên cứu về khoa học pháp lý cũng như đội ngũ cán bộ chủ lực trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm