Học phí tăng, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ được hỗ trợ ra sao?

(PLO)- Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ duy trì việc trích tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trường ĐH Luật TP.HCM vừa chính thức công bố mức học phí mới, áp dụng đối với các trình độ đào tạo của trường ở các khóa K46, K47 và K48, tức là từ khóa tuyển sinh năm 2021 trở đi.

Theo đó, từ năm học 2023-2024 này, học phí của trường sẽ được điều chỉnh tương ứng với mức độ tự chủ tài chính mà trường đã được phê duyệt trước đó. Trong đó, mức học phí thấp nhất ở hệ chính quy văn bằng 1 với 31,25 triệu đồng/năm học áp dụng cho đào tạo chính quy ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh. Mức cao nhất với 165 triệu đồng/năm học áp dụng với chương trình chất lượng cao giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Cạnh đó, trường cũng đưa ra khung mức học phí dự kiến kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027, dự kiến tăng mỗi năm học không quá 12,8%.

Trích lập quỹ học bổng gần 28 tỷ đồng

So với trước đó, mức học phí mới có sự điều chỉnh tăng hơn khá nhiều ở tất cả các chương trình đào tạo. Điều này chắc chắn sẽ khiến không ít người học lo lắng.

Tuy nhiên, theo phía trường, mức học phí này đã được trường công khai trong đề án tuyển sinh hàng năm và đã được thông tin rộng rãi đến phụ huynh, thí sinh, người học trước khi đăng ký xét tuyển vào trường nên các em cũng đã nắm rõ để có sự chuẩn bị.

Đi đôi với việc thực hiện lộ trình học phí mới, trường đã có sự chuẩn bị và đã xây dựng nhiều kế hoạch để đầu tư phát triển về đội ngũ chất lượng giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất và đặc biệt xác định lấy người học là trung tâm.

Nhà trường sẽ thực hiện đa dạng các hoạt động chăm lo cho người học. Cụ thể, trường tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tín dụng sinh viên và chế độ học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội… theo quy định hiện hành của nhà nước.

Đặc biệt, trường sẽ duy trì việc trích lập tối thiểu 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Tổng mức trích lập hàng năm lên tới gần 28 tỷ đồng. Trong đó sẽ đa dạng các loại hình học bổng, như đối với học bổng khuyến khích học tập, sinh viên đạt loại xuất sắc sẽ nhận mức học bổng bằng 150% học phí sinh viên đã đóng; loại giỏi bằng 100% học phí và loại khá bằng 50% học phí.

Riêng đối với học bổng khuyến khích học tập của học kỳ 1 năm học 2023 – 2024 sẽ được Nhà trường chi trả bổ sung học bổng cho sinh viên theo mức thu học phí chính thức của năm học này.

Học phí Trường ĐH Luật TP.HCM
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM trao học bổng cho sinh viên. Ảnh: NT

Phía nhà trường cho biết, Quỹ phát triển hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên cũng sẽ được tăng lên, mức trích lập tối thiểu 5% trên nguồn thu học phí, tương đương với 20 tỷ đồng hàng năm. Kinh phí này để đầu tư phát triển các công trình nghiên cứu và các loại hình học thuật của giảng viên và sinh viên và mời các giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến giao lưu và giảng bài cho sinh viên.

Ngoài ra, trường cũng có chính sách hỗ trợ cho sinh viên có chứng chỉ tin học quốc tế MOS, duy trì tổ chức chương trình Asean Tour để sinh viên tăng cường hoạt động trao đổi học thuật, cũng như tiếp tục liên kết các doanh nghiệp để trao học bổng.

Bên cạnh chính sách cho sinh viên vay ngân hàng hiện nay, trường cũng phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng để hình thành các quỹ học bổng cho sinh viên vay.

Linh hoạt thời gian đóng học phí, hỗ trợ chỗ ở

Trường cũng thông tin, nhà trường tiếp tục cấp bù kinh phí để thực hiện chính sách miễn giảm học phí dành cho các đối tượng chính sách, sinh viên có điều kiện khó khăn.

Trường cũng sẽ thực hiện việc xác định mức chênh lệch phần miễn giảm học phí giữa Nghị định số 97/2023 và Nghị định 81/2021 của Chính phủ để trình Bộ GD&ĐT xin cấp bổ sung phần kinh phí còn thiếu. Trong trường hợp không được cấp, Trường sẽ sử dụng Quỹ hỗ trợ sinh viên để cấp bù phần chênh lệch.

Với những sinh viên khó khăn, ngoài chính sách chung, trường cho biết sẽ duy trì sự linh hoạt trong thời gian đóng học phí theo quy định hiện hành của trường. Cụ thể, để được dự thi kết thúc học phần, sinh viên phải đóng học phí của học kỳ đang học và các học kỳ còn nợ tối thiểu trước 2 tuần kể từ môn thi đầu tiên theo kế hoạch chung của trường (không áp dụng đối với môn tin học, thể dục).

Trường hợp sinh viên gặp khó khăn, có thể liên hệ các phòng ban chức năng của trường để được hướng dẫn gia hạn nộp học phí (có thời hạn), tạo thuận lợi cho sinh viên có thể tham gia thi kết thúc học kỳ.

Vừa qua, trường cũng đã hợp tác đưa vào khai thác Ký túc xá dành cho sinh viên và có những chính sách hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở tại ký túc xá.

hoc-phi-ho-tro-sinh-vien (2).jpg
Ký túc xá khang trang vừa được đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên, nhất là những em khó khăn

Nhà trường cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chăm lo về đời sống, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, liên kết doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, ngày hội việc làm tạo cơ hội cho sinh viên tìm kiếm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, nhà trường cũng đã xây dựng chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi để tạo nguồn giảng viên.

Phía trường thông tin thêm, hiện trường tiếp tục cải tạo và đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo tại cơ sở Nguyễn Tất Thành (quận 4), cơ sở Bình Triệu (TP Thủ Đức), đặc biệt là các khu tự học và trang thiết bị phục vụ cho việc học tập của sinh viên cũng như hoàn tất đầu tư xây dựng cơ sở 3 tại Phường Long Phước (TP Thủ Đức) để đưa vào khai thác sử dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm