Trường hợp đặc biệt nên ghi quê quán trên giấy tờ tùy thân

(PLO)- Bên cạnh ý kiến nên bỏ ghi quê quán trên giấy tờ tùy thân, cũng có ý kiến cho rằng với một số trường hợp đặc biệt thì cần ghi cả nơi sinh và quê quán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp, bộ đang cố gắng đốc thúc các đơn vị liên quan cho ý kiến sớm về việc thay thế ghi nơi sinh thay vì quê quán trên một số giấy tờ tùy thân.

Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính cần thiết về nhận diện một công dân thì trên giấy tờ tùy thân chỉ cần ghi thông tin nơi sinh để có sự thống nhất và tránh phát sinh rắc rối.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ở một số trường hợp đặc biệt thì ghi nơi sinh không có ý nghĩa, cần ghi cả nơi sinh và quê quán.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường 5, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường 5, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Trường hợp đặc biệt nên ghi quê quán

Chị Nguyễn Ngọc Mai (huyện Đức Hòa, Long An) cho biết theo chị được biết thì nơi sinh là nơi mình được sinh ra. Thế nhưng có những trường hợp ghi nơi sinh không có ý nghĩa gì đến việc quản lý hay thể hiện thông tin về nguồn gốc của một người.

Cụ thể là trường hợp của con chị. Trước đây, lúc mang thai đầu lòng, do khó sinh nên bác sĩ chỉ định chị phải đến BV Từ Dũ TP.HCM sinh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Trước dự sinh 15 ngày, chị đã có dấu hiệu chuyển dạ. Trên đường đến BV Từ Dũ thì chị đã sinh dọc đường ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Lúc đăng ký khai sinh cho con, chị khai sinh con tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

“Tôi thấy việc ghi địa điểm nơi sinh của con tôi trong giấy khai sinh không cần thiết ở trường hợp này. Nó không thể hiện được nguồn gốc, quê quán của con tôi. Vì thế, theo tôi, đối với trường hợp những người sinh rớt thì nên ghi hai thông tin gồm nơi sinh và quê quán thì sẽ hợp lý hơn. Bởi nó vừa thể hiện nơi mình chào đời vừa thể hiện nguồn gốc cha ông” - chị Mai nêu ý kiến.

Một cán bộ hộ tịch ở một UBND phường tại TP.HCM chia sẻ: Trên thực tế có một số trường hợp người đăng ký khai sinh, sinh rớt thì khi đăng ký khai sinh thường sẽ lấy địa chỉ nơi cư trú. Như vậy, cũng không thực sự chính xác. Thế nhưng trên thực tế những trường hợp này không nhiều.

“Theo tôi, trước khi việc ghi nơi sinh thay quê quán được thực hiện thì các nhà làm luật nên nghiên cứu kỹ và phải lường trước mọi tình huống xảy ra, tránh trường hợp người dân gặp khó khăn bởi sự thay đổi này. Tôi lấy ví dụ trước đây mẫu khai sinh không ghi quê quán, khi tra dữ liệu thì lại gặp khó khăn. Trường hợp khác, trước khi có Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 có ghi nơi sinh, tuy nhiên hộ chiếu cấp theo luật mới lại bỏ phần ghi nơi sinh. Từ chỗ lúc không, lúc ghi mà nhiều người dân đã rất vất vả, khổ sở với các thủ tục hành chính”.

Đối với những trường hợp đặc biệt như sinh rớt thì nên ghi cả nơi sinh và quê quán hoặc chỉ nên ghi quê quán.

Nơi sinh khác với nơi đăng ký khai sinh

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Còn nơi sinh, theo quy định của Luật Hộ tịch hiện hành thì là nơi chốn, địa danh trẻ được sinh ra. Nếu trẻ được sinh ra tại cơ sở y tế thì ghi nơi sinh theo tên cơ sở y tế kèm địa chỉ cơ sở y tế (đường, xã, huyện, tỉnh). Nếu sinh ở ngoài cơ sở y tế thì ghi địa danh của ba cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh).

Như vậy, định nghĩa quê quán và nơi sinh không phải lúc nào cũng trùng nhau.

Trong thông tin của người được đăng ký khai sinh đã phân biệt quê quán và nơi sinh là hai mục riêng biệt. Đây là giấy tờ pháp lý đầu tiên của một cá nhân.

Nếu thể hiện thông tin quê quán trên một số loại giấy tờ tùy thân thì còn có thể thấy được gốc gác, nguồn gốc cha hoặc mẹ của cá nhân này. Còn thông tin nơi sinh chỉ đơn giản là người này được sinh ra ở đâu và nó không gắn với yếu tố nguồn gốc của cá nhân.

Cũng theo luật sư Hoan, cần lưu ý thêm nơi sinh hoàn toàn khác với nơi đăng ký khai sinh được ghi nhận trên giấy khai sinh và được ghi nhận trên mã vùng trên CCCD. Nơi đăng ký khai sinh theo quy định là UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi cư trú của người cha hoặc mẹ.

“Đối với một số trường hợp đặc biệt, một người được sinh ra ngoài cơ sở y tế thì việc ghi nơi sinh không thể hiện được ý nghĩa của thông tin về nơi sinh. Vì thế, đối với những trường hợp đặc biệt như sinh rớt thì nên ghi cả nơi sinh và quê quán hoặc chỉ nên ghi quê quán” - luật sư Hoan nêu.•

Các nước ghi nơi sinh, quê quán trên giấy tờ tùy thân ra sao?

Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Campuchia… trên giấy tờ tùy thân của công dân gồm giấy khai sinh, hộ chiếu, CCCD không ghi quê quán (Place of origin). Còn mục nơi sinh (Place of birth) sẽ tùy vào loại giấy tờ, tùy quy định của từng nước mà cách ghi sẽ khác nhau.

Ở Trung Quốc, trên giấy khai sinh có thông tin về nơi sinh gồm ba cấp là tỉnh/TP, quận/huyện và thị xã, ở bên dưới có mục để ghi cơ sở y tế nơi sinh ra. Trên hộ chiếu chỉ ghi nơi sinh cấp tỉnh, còn CCCD không có nơi sinh.

Ở Hàn Quốc, trên giấy khai sinh có ghi nơi sinh là tỉnh/TP và tên bệnh viện. Còn hộ chiếu và CCCD không ghi thông tin nơi sinh.

Tại Campuchia, trên giấy khai sinh và CCCD ghi nơi sinh đầy đủ cả ba cấp xã, huyện, tỉnh và không có mục cơ sở y tế sinh ra. Còn hộ chiếu Campuchia ghi nơi sinh cấp tỉnh/TP.

Ở Anh, trên giấy khai sinh có mục nơi sinh, thường là ghi địa chỉ bệnh viện nơi sinh. Còn hộ chiếu và CCCD chỉ ghi nơi sinh cấp hành chính địa phương cao nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm